Thực vẫn hơn ảo

ANTĐ - Mục tiêu của việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo quan điểm của Chính phủ là theo hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng cho các doanh nghiệp trong nước và nâng chất lượng nguồn nhân lực. Vì thế, vốn đăng ký FDI tháng 1-2012 chỉ bằng 3% so với cùng kỳ năm 2011, có thể gây bất ngờ trong các bản tổng kết, báo cáo, nhưng sự giảm sút mạnh này lại chứng tỏ dòng vốn FDI chảy vào đúng chỗ cần thiết cho nền kinh tế, dòng vốn “ảo” ngày càng giảm dần.

Năm 2011, vốn đăng ký chỉ đạt 14,7 tỷ USD, mục tiêu là 20 tỷ USD, nhưng vốn thực hiện lại đạt 11 tỷ USD. Điều này cho thấy xu hướng vốn thực “đổ” vào các ngành nghề sản xuất, công nghiệp chế biến, xuất khẩu mà nước ta nhắm tới đang dần thay thế cho những lĩnh vực đầu tư theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”. Đơn cử, không cấp phép hay nâng vốn đầu tư đăng ký cho các doanh nghiệp FDI ngành thép, khi mà nhiều dự án còn “treo” dăm năm nay nhưng vẫn không thực hiện hoặc mức giải ngân nhỏ giọt. Tương tự, những dự án khai thác khoáng sản với nguồn vốn đầu tư nhiều tỷ USD ở một số tỉnh miền Trung đã từng thổi bùng lên “ngọn lửa” hy vọng, rồi cuối cùng cũng… tắt ngấm và để lại không ít hệ lụy cho địa phương, nhất là người dân sống bên những “miếng bánh vẽ”.

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho rằng, sở dĩ có hiện tượng “ảo” trong đầu tư FDI, không chỉ vì sự ảo tưởng của nhiều tỉnh, thành trong cuộc “chạy đua” thu hút vốn bằng mọi giá hoặc tình trạng “con gà tức nhau tiếng gáy”, mà về cơ bản đang tồn tại thách thức có thực về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế. Lâu nay, khi mời gọi đầu tư, không ít địa phương vẫn ảo tưởng về những thế mạnh của mình đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ tiền, dốc của vào các dự án bề thế, sẽ giúp tỉnh “cất cánh” vươn lên tầm cao mới. Thế nhưng, sau khi đã “trải chiếu hoa” mời gọi các nhà đầu tư vào, thì mới “ngã ngửa”. Trước hết là nguồn nhân lực.

Trong một nghiên cứu mới đây do Cục Đầu tư nước ngoài phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc tiến hành cho hay, 32% nhà đầu tư FDI nhận định, thiếu công nhân kỹ thuật cao là nguyên nhân quan trọng khiến cho họ không khai thác được hết công suất. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo quá lớn, nhiều công ty nước ngoài sau khi tuyển chọn lao động lại phải đào tạo lại tại chỗ hoặc đưa sang công ty mẹ nâng cao trình độ. Giảm chi phí sản xuất trong đó chi phí thuê lao động là mối quan tâm hàng đầu khi nhà đầu tư quyết định chọn địa điểm đầu tư. Lợi thế chi phí, lao động rẻ của nước ta đang mất dần, thậm chí có công ty, doanh nghiệp phải nhập khẩu lao động trình độ cao. Cơ sở hạ tầng ngày càng trở thành “nút thắt” khó gỡ đối với các nhà đầu tư không chỉ là hệ thống giao thông, cầu cảng mà cả hệ thống điện, nước… Thách thức cuối cùng với các nhà đầu tư là mối lo ngại về những rào cản trong hoạt động kinh doanh. Thời gian để giải quyết cũng như số lượng các thủ tục hành chính vẫn còn quá nhiều, quá phiền phức.

Dòng vốn FDI đã giảm đi trông thấy trong ba năm gần đây. Điều này chưa hẳn là đáng lo ngại. Điều cần nhất hiện nay là làm sao để thay đổi, nâng cao chất lượng các dự án. Các địa phương cần có một cái nhìn xác thực hơn, tránh những luồng vốn “ảo”, dự án “ảo” cũng như ảo tưởng ngoài khả năng của mình.