Thực trạng công tác phòng cháy, chữa cháy tại các hộ gia đình, khu dân cư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong thời gian gần đây, số vụ cháy xảy ra tại các hộ gia đình và khu dân cư chiếm gần 80% trong tổng số các vụ cháy trên toàn thành phố... 
Vụ cháy tại số nhà 311 phố Tân Đức Thắng gây tử vong 4 người trong gia đình

Vụ cháy tại số nhà 311 phố Tân Đức Thắng gây tử vong 4 người trong gia đình

Nguyên nhân do đâu những vụ cháy xảy ra tại gia đình tăng mà không giảm, trong khi lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH liên tục tuyên truyền, nhắc nhở, khuyến cáo, trang bị các kỹ năng vè an toàn phòng chống cháy, nổ cho người dân, nhưng mỗi khi xảy cháy là có thương vong, mất mát vô cùng to lớn?

Lỗi tại ý thức chủ quan

Có một thực tế hiện nay, trong bất cứ gia đình nào trên địa bàn Hà Nội đều xảy ra tình trạng không có trang thiết bị PCCC cho gia đình. Điều đáng nói, các thiết bị PCCC rất hữu ích, phải được coi là phương tiện cứu sống con người khi có hỏa hoạn, nhưng nó chưa bao giờ được coi trọng giống như các vật dụng khác trong nhà.

Một chiếc bình chữa cháy có giá 500.000 đồng, một thiết bị cảm biến báo cháy, báo khói, báo hở gas… chỉ có giá vài trăm nghìn đồng, nhưng xem ra chẳng có ai quan tâm. Thế nhưng, họ lại có thể bỏ cả chục triệu đồng, thậm chí tới bạc tỷ để mua những thứ vật dụng giải trí khác và đó lại chính là những thứ dễ gây ra các vụ cháy...

'Sẽ là thiếu sót và có thể dẫn đến hậu quả chết người nếu chúng ta coi thường các thiết bị, đồ vật, phương tiện PCCC, bởi đó chính là đồ dùng quan trọng cứu mạng sống con người, nếu có hỏa hoạn xảy ra' - Chỉ huy Cảnh sát PCCC - CNCH Công an TP Hà Nội chia sẻ.

Câu ví: 'Nước xa không cứu được lửa gần', luôn thường trực trong đời sống hàng ngày. 'Người chữa cháy hiệu quả nhất không phải lính cứu hỏa, mà là người phát hiện vụ cháy sớm nhất'. Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng CAQ Cấu Giấy, Hà Nội, một chuyên gia PCCC và CNCH của Công an TP Hà Nội cho biết và khẳng định tầm quan trọng của thiết bị phát hiện sớm các vụ cháy và bình chữa cháy được trang bị sẵn trong mỗi gia đình là cực kỳ cần thiết. Bên cạnh đó, người dân cần tham gia các lớp tuyên truyền, tập huấn trang bị kỹ năng do lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thường xuyên tổ chức tại khu dân cư hoặc trung tâm văn hoá, nhà văn hóa ở nơi sinh sống.

Cũng theo Đại tá Sơn, trong gia đình có lắp đặt thiết bị báo cháy ở một số vị trí trong nhà, khi xảy cháy cảm biến sẽ báo qua chuông hoặc qua điện thoại, từ đó chúng ta biết được vụ cháy và sử dụng bình chữa cháy xịt dập lửa rất có hiệu quả.

Tại các buổi tuyên truyền, tập huấn PCCC, nhiều cán bộ Cảnh sát PCCC và CNCH luôn khuyến cáo người dân cần bình tĩnh xử lý khi phát hiện vụ cháy, ắt sẽ an toàn và không thể xảy cháy lan, cháy lớn.

Thế nhưng, nếu như trong gia đình không trang bị bình chữa cháy và các thiết bị PCCC, khi phát hiện cháy nhỏ lại hoảng loạn kêu cứu, nhờ hàng xóm sang dập lửa hộ nhưng không có bình chữa cháy, thì đó là 'tiếp tay' cho giặc lửa hoành hành.

Lửa bùng phát trong thời gian tính bằng từng phút và thời gian con người chịu đựng trong căn nhà bị khói bao trùm cũng chỉ được tính bằng từng phút, trong khi lực lượng cứu hoả có mặt tại nơi xảy cháy, tình từ khi xảy ra vụ cháy đến khi tiếp nhận thông tin thì với khoảng cách gần nhất cũng phải mất ít nhất 10 - 15 phút mới tới nơi, đó là với khoảng cách nhà và trụ sở cứu hỏa gần nhau và đường không tắc...

Thăm dò của phóng viên Báo ANTĐ tại một số quận nội thành gần đây cho thấy, việc tự trang bị thiết bị chữa cháy cho gia đình là rất hy hữu. Khi được hỏi, nhiều gia đình còn e ngại và có phần 'duy tâm' cho rằng 'mua về sợ... đen'.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội tuyên truyền tập huấn PCCC cho người dân

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội tuyên truyền tập huấn PCCC cho người dân

Bất cẩn là nguyên nhân gia tăng các vụ cháy

Sự bất cẩn trong sinh hoạt hàng ngày tiềm ẩn hoả hoạn rất cao. Trong đó, phải kể đến những điều thông thường như là bộ quần áo xong mà vội đi làm quên không rút phích cắm bàn là, bật thiết bị điện như quạt từ đêm đến sáng ra khỏi nhà quên không tắt, hoặc nấu nướng đồ ăn nhưng muốn ninh nhừ lại không có thời gian, nên đã trông chờ vào những máy hẹn giờ gắn theo bếp, hay thắp hương không chú ý để quá nhiều đồ dễ cháy gần nó… Chúng ta đâu biết rằng, chính sự đãng trí và lơ lờ của cá nhân mỗi chúng ta đều có thể gây ra hỏa hoạn cho gia đình và người thân, cũng như cộng đồng khi xảy ra cháy, nổ.

Thông qua các vụ cháy gần đây cho thấy, hầu hết các vụ hỏa hoạn xảy vào ban đêm, hoặc ngày lễ và đó cũng là thời điểm dễ thương vong nhất. Phân tích về vấn đề này, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho hay: 'Thời điểm ban đêm các thiết bị máy móc hoạt động đã trải qua thời gian cả ngày nên rất nóng, trong khi đó nguồn điện ban đêm có phần mạnh lên do nhà máy, xí nghiệp và nhu cầu dùng điện của mọi gia đình giảm, dẫn đến thiết bị điện không còn tuổi thọ, độ bền đã bị chập cháy. Lúc này là thời điểm người dân ngủ say, không biết dẫn đến cháy lan sang các thiết bị, đồ vật khác và gây cháy lớn. Khi cháy lớn tạo ra lượng khói độc, người ngủ hít phải gây suy hô hấp và ngất dẫn đến tử vong'.

Cùng với đó, nhiều gia đình hiện nay thường sạc xe đạp điện trong đêm, để cùng với các loại xe máy có xăng trong nhà và nhiều trường hợp do hệ thống kim khóa xăng tự động của xe máy bị kẹt dẫn đến tràn xăng ra sàn, khi đó cục sạc đầy pin nhưng không ngắt điện dẫn đến nung nóng và nổ, gặp hơi xăng bùng cháy lớn. Trong trường hợp này, nếu có thiết bị báo cháy thì sẽ kịp thời phát hiện để thoát nạn, hoặc nếu còn bình tĩnh tiếp cận dập lửa khống chế ngay vụ cháy.

'Ở các khu dân cư đông đúc tại Hà Nội có không gian sống rộng rãi, thoáng đãng không đơn giản, nhưng chính sự chật chội hạn chế của không gian lại cần phải có sự ngăn nắp, sắp xếp các thiết bị trong nhà để tránh những tai họa khi vụ cháy xảy ra. Những ngôi nhà chật hẹp lại thường chất nhiều đồ đạc, lối thoát nạn bị bịt kín mỗi khi về đêm bởi dồn tất cả phương tiện xe máy, ô tô vào trong nhà rồi hạ cửa kín bưng. Khi xảy ra cháy thì hoảng loạn, điện mất không biết thoát vào đâu và cũng không có gì để đối phó, dù chỉ là chiếc bình chữa cháy xách tay. Chính sự chậm chễ trong khâu xử lý là nguyên nhân dẫn đến cháy lan, cháy lớn' - Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP Hà Nội đánh giá.

CAH Hoài Đức đến tận cơ sở phát tờ rơi, tuyên truyền PCCC cho người dân

CAH Hoài Đức đến tận cơ sở phát tờ rơi, tuyên truyền PCCC cho người dân

Cũng theo Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, trong cuộc điều tra xã hội học mới nhất của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, số gia đình tự trang bị, mua sắm thiết bị PCCC trong gia đình chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Mặc dù trong các cuộc tuyên truyền, khuyến cáo người dân về công tác PCCC, các CBCS Công an Hà Nội đã phân tích tầm quan trọng và sự cần thiết của việc có bình chữa cháy trong nhà là cách tự cứu mình...

Chị Nguyễn Lan Anh, trú tại phường Dịch Vong, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: 'Nhiều khi ở đâu đó xảy ra vụ cháy gây chết người, tôi mới nghĩ đến trang bị thiết bị chữa cháy cho gia đình. Tuy nhiên, vì bận công việc bận rộn có khi tôi quên mất và coi việc PCCC chưa cần thiết...'.

Cùng suy nghĩ của chị Lan Anh, anh Phạm Bá Thụ, ở phường Cống Vị, quận Ba Đình bộc bạch: 'Khi nghe lực lượng chức năng tuyên truyền công tác PCCC, tôi thấy rất cần phải trang bị các thiết bị PCCC trong nhà. Nhưng, chưa thực hiện được thì lại có việc khác quan trọng cần giải quyết và thế là tôi quên khuấy công tác an toàn PCCC'.

Thiếu trang thiết bị PCCC trong gia đình, không quan tâm đến việc phải học, tập huấn kỹ năng thoát nạn, thu nạp những kiến thức PCCC và chưa thật sự quan tâm đến công tác an toàn PCCC vẫn còn thường trực trong phần lớn tâm lý người dân. 'Nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền trang bị kỹ năng PCCC tại khu dân cư được thông báo từ nhiều ngày và CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH luôn chọn thời điểm hợp lý như tối, hoặc cuối tuần để người dân tập trung tham gia, nhưng rất ít người để ý. Một thực trạng nữa là có nhiều toà chung cư với hàng trăm cư dân đang sinh sống, nhưng lực lượng chức năng tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng thoát nạn khi có cháy, cũng chỉ vài người tham gia và đa số họ là những người giúp việc cho các hộ gia đình' - cán bộ Cảnh sát PCCC và CNCH phụ trách địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội cho biết.

'Muốn hạn chế tối đa số vụ cháy xảy ra, hơn bao giờ hết ý thức tự phòng của người dân phải được nâng lên. Việc mua sắm các trang thiết bị PCCC cho gia đình, cơ quan, xí nghiệp... cũng rất cần thiết và trong mỗi chúng ta, ai cũng nêu cao ý thức PCCC thì chắc chắn 'giặc lửa' sẽ không thể hoành hành' - Đại tá Trần Ngọc Dương nhấn mạnh.