Thức tỉnh lương tri

ANTĐ - Chi phí quốc phòng đang có xu hướng tăng trở lại, gây nguy cơ với tình hình an ninh chung và nỗ lực xóa đói giảm nghèo trên thế giới.

Chi phí quốc phòng trên thế giới đang có xu hướng tăng trở lại

Phát biểu bế mạc Hội nghị quốc tế bàn về chi phí quốc phòng tổ chức tại Brussels (Bỉ), ông A. M. Moris De Zaias, chuyên gia của LHQ cho rằng hiện nay trên thế giới dường như không thể kiểm soát nổi lĩnh vực này, nghĩa là dường như không thể biết chính xác con người đã đổ ra bao nhiêu tiền bạc để mua sắm vũ khí và các phương tiện chiến tranh.

Báo cáo đánh giá ngân sách quốc phòng hàng năm do tổ chức IHS Jane’s Defence Budget Review công bố hồi đầu năm cho biết trong năm nay tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu dự kiến 1.547 tỷ USD, tăng 0,6% so với năm 2013. Như vậy đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2009, chi tiêu quốc phòng của toàn cầu lại gia tăng. Còn theo LHQ, thế giới đang diễn ra cuộc chạy đua vũ trang không hạn chế, khiến chi phí quốc phòng toàn cầu mỗi năm có thể lên tới 1.750 tỷ USD.

Góp phần tạo ra xu thế này là do chi phí quân sự của khu vực Trung Đông, châu Á, Nga và Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh. Theo thống kê, Mỹ hiện vẫn là nước có chi phí quốc phòng lớn nhất thế giới, năm 2013 là 582,4 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc 139,2 tỷ USD và Nga 68,9 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Đông là khu vực có tốc độ chi phí quốc phòng tăng nhanh nhất, trong đó riêng Oman và Tiểu vương quốc Arập thống nhất trong hai năm qua đã tăng hơn 30%.

Đây là mối hiểm họa với thế giới bởi vũ khí càng nhiều thì nguy cơ xung đột càng lớn. Người ta tính rằng chỉ riêng trong 50 năm cuối của thế kỷ XX, trên thế giới đã xảy ra 260 cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang. Còn trong suốt toàn bộ lịch sử nhân loại, con người chỉ được sống 292 năm trong điều kiện hòa bình. Thế mà hiện nay, nguy cơ chiến tranh bị sử dụng như một phương tiện giải quyết các mâu thuẫn vẫn chưa được loại trừ.

Trong khi người ta “hào phóng” mua sắm các loại vũ khí giết người, thì gần một nửa dân số thế giới - tức hơn ba tỷ người - sống dưới mức 2,50 USD một ngày. Theo con số thống kê của Quỹ Nhi đồng LHQ, mỗi ngày có khoảng 22.000 trẻ em chết do nghèo đói, không có thức ăn và thuốc men cần thiết. Và những trẻ em đó “chết lặng lẽ, âm thầm trong những thôn bản nghèo, xa xôi, hẻo lánh nhất trên trái đất, xa đến nỗi tiếng nói lương tâm của thế giới cũng không thể nào nghe biết chúng đã chết trong ngày hôm qua, chúng đang hấp hối ngày hôm nay, và chúng sẽ chết vào ngày mai.

Đó là một nghịch lý khó có thể chấp nhận bởi chỉ cần bỏ ra khoảng chưa đến 1% trong tổng số tiền mua sắm vũ khí bom đạn mà các nước trên thế giới đã chi tiêu hàng năm thì đã đủ để giúp cho tất cả trẻ em thất học vì hoàn cảnh nghèo đói trên khắp thế giới được đến trường. Những con số thống kê kể trên đang đánh thức lương tri của nhân loại, buộc người ta phải tìm cách giảm bớt chi phí quốc phòng để có thêm nguồn tài chính phục vụ sự nghiệp giáo dục, cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ sức khỏe con người và cải thiện môi trường sống.