Thực tiễn đòi hỏi cần có đạo luật mới đáp ứng yêu cầu công tác đảm bảo an toàn giao thông

ANTD.VN - Ngày 21-11, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã có buổi làm việc về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an và đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đồng chủ trì buổi làm việc.

Nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, trong đó có pháp luật về TTATGT phù hợp với tình hình mới, Đảng uỷ Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết về xây dựng Luật Đảm bảo TTATGT đường bộ. 

Đồng chí Thứ trưởng - Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại buổi làm việc

Bộ Công an đã tổng kết thực tiễn tình hình đảm bảo TTATGT đường bộ;  nghiên cứu quy định của Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan; nghiên cứu cơ sở lý luận, khoa học công tác quản lý nhà nước TTATGT đường bộ, lịch sử xây  dựng pháp luật Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm lập pháp quốc tế.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu ý kiến về thế mạnh của Luật Giao thông đường bộ và Luật Đảm bảo TTATTGT đường bộ đối với công tác quản lý Nhà nước trong đảm bảo an toàn giao thông, kiềm chế tai  nạn, nâng cao khả năng quản lý hạ tầng giao thông.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh, Bộ Giao thông vận tải đồng tình việc xây dựng pháp luật vì lợi ích chung, mục đích là đảm bảo TTATGT, hạn chế tai nạn, có giải pháp đồng bộ, hiệu quả  trong đảm bảo TTATGT.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu Cục CSGT, Văn phòng Bộ Công an tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Bộ về việc phối hợp trình dự án Luật.  

“Đây là bước quan trọng trong tham mưu chiến lược cho Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đồng thuận với đề xuất của Bộ Công an để trình Chính phủ Luật Bảo đảm TTATGT” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, và  nhận xét, đánh giá cao việc các đại biểu đều đồng tình xây dựng pháp luật trên tinh thần thực tiễn đặt ra là cần một đạo luật mới đáp ứng được tình hình thực tế trong đảm bảo an toàn giao thông hiện nay, phòng ngừa tai nạn, giảm tổn thất cho xã hội.