Thực thi EVFTA: Thêm cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập

ANTD.VN - Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, người lao động sẽ có thêm việc làm, thu nhập cải thiện. Đặc biệt, với những tiêu chuẩn rất cao của EU thì người lao động chắc chắn sẽ được làm việc trong điều kiện an toàn hơn. 

Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối Việt Nam tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới.

Với việc xóa bỏ đến 99% thuế quan xuất khẩu, EVFTA sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội cạnh tranh về giá cả hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Điều này được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập cho người lao động Việt Nam, đặc biệt là các ngành sản xuất như dệt may, giày dép, đồ gỗ và thủy sản.

Theo dự báo của Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, lực lượng lao động trong một số ngành sẽ tăng, ví dụ như trong ngành khai khoáng tăng khoảng 3,41%/ năm; dệt tăng 1,53%/ năm; may mặc tăng nhẹ khoảng 0,38%/ năm. Một số ngành khác có mức tăng lao động hằng năm cao hơn hiện nay như vận tải đường thủy (3,7%), sản xuất kim loại (2,65%), sản xuất máy móc thiết bị (2,49%)…

Nhận định về cơ hội của Hiệp định EVFTA Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, ngoài việc tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, người lao động còn có cơ hội luân chuyển giữa hai khu vực với nhau (Việt Nam và EU). Với những tiêu chuẩn rất cao của EU thì người lao động cũng sẽ được làm việc trong một điều kiện an toàn hơn.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế, các yêu cầu về lao động và môi trường của EVFTA sẽ giúp mang lại lợi ích cho tất cả các bên, góp phần giúp Việt Nam phát triển bền vững. Gia nhập EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là cơ hội tạo điều kiện cho Việt Nam hiện đại hóa hệ thống pháp luật lao động và quan hệ lao động. Việc thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi vào tháng 11/2019 đã đưa khung pháp lý của đất nước tiệm cận hơn với các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế, tạo ra một môi trường pháp lý cần thiết cho quan hệ lao động và quan hệ việc làm hiện đại của Việt Nam.

Bên cạnh việc Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định EVFTA, các chuyên gia lao động cũng cho rằng, khi hiệp định này được thực thi sẽ đặt ra thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng các đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của thị trường châu Âu.

Đặc thù hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu phần lớn dựa vào công nghệ, do đó, yêu cầu của các doanh nghiệp châu Âu không chỉ đơn thuần là những lao động giá rẻ, mà còn cần kỹ năng và trình độ chuyên môn cao.

Để hiện thực hóa được các cơ hội đó, Việt Nam cần giải được bài toán về nâng cao tay nghề và chuyên môn, những kỹ năng cần thiết cho người lao động.