Thực phẩm sau tết - giá trên trời

ANTĐ - Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài khiến hàng quán thưa thớt nên nhà nào mở quán là đua nhau chặt chém. Các chợ chính vắng khách là dịp để chợ cóc, chợ tạm hoạt động nhộn nhịp. Giá cả hầu hết các loại thực phẩm, rau xanh tăng chóng mặt.

Thực phẩm, rau xanh đội giá sau tết

Từ mùng 2, mùng 3 Tết Nguyên đán, đã có nhiều chợ cóc, chợ tạm mọc lên trên những tuyến phố từ nội thành đến các huyện ngoại thành. Mặt hàng chủ yếu được bán tại những chợ này là rau xanh và các loại thủy, hải sản. Ngay trên phố Nguyễn Khắc Cần đoạn giao Hai Bà Trưng, cả đoạn phố sau những ngày tết vắng vẻ đã trở thành chợ tạm tấp nập. Một mớ rau cần nhỏ giá 15.000 đồng, rau cải xanh và rau muống được bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/mớ. Người mua muốn có đủ rau cho một bữa lẩu phải chi từ 100.000 - 150.000 đồng. Ngay cả các loại rau vốn chỉ dùng làm gia vị như hành, rau xà lách cũng được bán với giá cao ngất ngưởng.

Năm nay, ngoài yếu tố tăng giá do nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng sau tết còn có lý do rau xanh khan hiếm do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài. Chị Lụa, ở Tây Tựu, Từ Liêm cho biết, giá rau ngay từ trước tết đã đắt, sau tết càng đắt hơn nhưng cũng không có để bán. Ngày thường, chị Lụa bán một mớ cải, hay rau cần chỉ từ   3.000-5.000 đồng/bó, nhưng những ngày này, rau đội giá lên 2-3 lần. “Rét kèm theo mưa phùn kéo dài từ trước tết, lại từ tết đến giờ, chưa có ngày nào hửng nắng, không rau nào phát triển được, cứ co lại, nhất là các loại rau kém chịu rét như rau muống”.

Bên cạnh rau xanh, các loại thực phẩm như tôm, cua, cá cũng tăng giá mạnh. Trên phố Thể Giao, nếu trước tết nửa tháng, giá tôm nước lợ loại to nhất cũng chỉ 250.000 đồng/kg thì càng gần tết, nhất là các ngày 28, 29 tháng 12 âm lịch, giá của loại tôm này lên tới 400.000 đồng/kg và đến ngày mùng 7 tết, giá vẫn chưa giảm. Chị Hòa, trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy than thở, sau tết đi chợ cái gì cũng đội giá, đắt như “vàng”. “Sáng mùng 6 Tết, tôi đi chợ mua 100.000 đồng được 2 rẻ sườn bé, thịt bò lên tới 400.000 đồng/kg. Giờ tết nhất không mấy nhà dự trữ nhiều thực phẩm vì chỉ vài ngày chợ mở cửa. Nhưng mà, sau tết cái gì cũng đắt gấp 5-6 lần ngày thường” - chị Hòa than thở.

Ngay cả khu vực ngoại thành, giá rau xanh, thực phẩm cũng không rẻ hơn là bao. Song, có lẽ, người tiêu dùng đã quá quen với cảnh bị chặt chém sau tết nên cũng dần thích nghi, còn người nông dân coi đây cũng là cơ hội để bù đắp cho cả năm gieo trồng vất vả. Song, điều mà hàng triệu người tiêu dùng băn khoăn, thực phẩm họ mua về có đảm bảo, an toàn cho sức khỏe? Bởi đến thời điểm này, khi các chợ đã rục rịch mở cửa, chợ cóc, chợ tạm đã hoạt động nhộn nhịp nhưng đội ngũ kiểm dịch thú y vẫn vắng bóng.

Bên cạnh các loại thực phẩm, rau xanh đội giá thì các quán ăn cũng được dịp bắt chẹt. Do lượng hàng quán mở cửa còn thưa thớt, nên những hàng ăn đã mở cửa thả sức chặt chém. Một bát phở những ngày này có giá từ 40.000-50.000 đồng, một bát bún riêu, bún ốc lèo tèo cũng có giá tương tự dù chất lượng không thể so sánh với ngày thường.

Xử lý nhiều vi phạm về giá

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, giá thị trường có tăng, nhưng mức tăng nhẹ hơn so với mọi năm. Đó là do lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tăng cao trong dịp tết, sức mua của thị trường tăng thấp, người dân chi tiêu tiết kiệm hơn năm trước.

Để góp phần bình ổn giá trong dịp tết, hầu hết các địa phương tích cực tổ chức các đoàn kiểm tra để kiểm tra hoạt động của thị trường, việc chấp hành pháp luật về giá. Tại TP Hồ Chí Minh, thanh tra Sở Tài chính và 28 đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện phối hợp kiểm tra 242 siêu thị, cửa hàng tiện ích, 143 sạp chợ về thực hiện chương trình bình ổn giá, niêm yết giá, đã nhắc nhở, xử lý nhiều vụ vi phạm… TP Hà Nội kiểm tra 191 vụ, phạt vi phạm hành chính 560,7 triệu đồng, tịch thu 2,715 tỷ đồng, tạm giữ 3,5 tỷ đồng giá trị hàng hóa…

Bộ Tài chính cũng cho biết, để có thể bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, hầu hết các bộ, ngành, các địa phương đã cùng các doanh nghiệp xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết đầy đủ, đáp ứng nhu cầu.

Đối với công tác quản lý, điều hành giá, Bộ Tài chính đã thực hiện các biện pháp giữ ổn định giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với sản xuất và đời sống như thực hiện các biện pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, lưu thông…