Thực phẩm nội, ngoại đều vi phạm

(ANTĐ) - Ngày 27.1, Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm     (VSATTP) thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra chợ Châu Long (quận Ba Đình), và cửa hàng tự chọn (siêu thị mini) K-mart (quận Cầu Giấy)... Tại hai địa điểm này đều phát hiện nhiều thực phẩm vi phạm VSATTP, trong đó có cả thực phẩm ngoại.

Thực phẩm nội, ngoại đều vi phạm

(ANTĐ) - Ngày 27.1, Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm     (VSATTP) thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra chợ Châu Long (quận Ba Đình), và cửa hàng tự chọn (siêu thị mini) K-mart (quận Cầu Giấy)... Tại hai địa điểm này đều phát hiện nhiều thực phẩm vi phạm VSATTP, trong đó có cả thực phẩm ngoại.

Vòng vo nguồn gốc thực phẩm

Ngay mặt ngoài chợ Châu Long, một loạt cửa hàng kinh doanh đồ khô như kiốt số 2, 5, 6, 10... cùng kinh doanh loại lạp xưởng nhãn hiệu Bà Chị sản xuất tại Quy Nhơn, Bình Định (với giá 75.000đ/kg). Đáng nói là trên nhãn mác của hầu hết các sản phẩm lạp xưởng này chỉ ghi hạn sử dụng đến hết ngày 29-5-2008 nhưng không có ngày sản xuất.

Những người chủ hàng cũng không xuất trình được bất kỳ loại giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc của sản phẩm trên. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm đình chỉ lưu hành và lấy mẫu về xét nghiệm hóa, lý, sinh đối với sản phẩm này.

Lần theo địa chỉ nơi cung cấp lạp xưởng cho các hộ kinh doanh này là số 5 Đào Duy Từ nhưng khi đoàn kiểm tra đến nơi thì cửa hàng đó đã chuyển sang địa chỉ khác. Tiếp tục tìm đến địa chỉ mới nhưng đến nơi thì đó chỉ là đại lý của Vissan, không hề kinh doanh loại lạp xưởng Bà Chị. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, những người kinh doanh tại chợ Châu Long đã mua loại lạp xưởng trôi nổi, không nguồn gốc rồi tự bao gói. Điều này vi phạm vào quy chế đóng gói đã quy định.

Tiếp tục, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra cửa hàng tự chọn K-mart (ở số 11 lô 12A, Trung Yên, quận Cầu Giấy). Đây là cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm Hàn Quốc nhập khẩu với hơn 1.000 mặt hàng (chỉ có 10% là sản phẩm của Việt Nam), tuy nhiên rất nhiều loại sản phẩm Hàn Quốc của cửa hàng này không dán tem phụ hướng dẫn bằng tiếng Việt, không ghi giá bán.

Một số sản phẩm như bánh kẹo, mỳ ăn liền các loại, kim chi... chỉ có hạn sử dụng, không có ngày sản xuất. Thậm chí, có loại nước uống đóng chai chỉ ghi “12-2007” khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được ngày sản xuất hay hạn sử dụng, nên rất có thể sản phẩm này đã hết hạn sử dụng gần 1 tháng.

Đã thế, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này còn chưa xuất trình được bất kỳ một loại giấy tờ nào chứng minh được nguồn gốc các loại sản phẩm. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và yêu cầu chủ cơ sở đến làm việc tại Sở Y tế Hà Nội vào ngày 28-2.

Nhiều thực phẩm vi phạm quy chế nhãn mác
Nhiều thực phẩm vi phạm quy chế nhãn mác

Lập “đường dây  nóng” về VSATTP

Cũng trong ngày 27-1, nhóm phóng viên chúng tôi đã khảo sát tại một số cửa hàng tạp hóa ở chợ tạm Thanh Xuân Bắc, khu tập thể Thanh Xuân Bắc và một số cửa hàng trên quận Thanh Xuân. Tại đây bày bán nhiều loại mứt Tết có màu sắc sặc sỡ như Hà Thành, Táo Quân, Hà Nội... với giá từ 15.000-40.000đ/hộp.

Trên bao bì của sản phẩm bánh mứt này có nhãn mác ghi ngày sản xuất, thời gian sử dụng, số điện thoại, thậm chí cả công bố chất lượng sản phẩm nhưng tìm mãi không thấy địa chỉ cơ sở sản xuất. Ông Lê Quý Hùng, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trong thời gian vừa qua, lực lượng quản lý thị trường thành phố cũng phát hiện rất nhiều hình thức sai phạm tương tự.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho rằng, những cửa hàng nhỏ kinh doanh sản phẩm phục vụ Tết nằm trong các khu dân cư có rất nhiều. Chất lượng bánh mứt kẹo không thể kiểm soát hết được, nếu để xảy ra hiện tượng vi phạm như thế  thì trách nhiệm thuộc về phường, quận.

Trước những mối lo ngại về chất lượng VSATTP trong dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, ông Lê Anh Tuấn kêu gọi: bất cứ ai phát hiện sai phạm trong vấn đề VSATTP trên địa bàn thành phố hãy gọi điện trực tiếp đến đường dây nóng của Ban chỉ đạo VSATTP thành phố, số điện thoại là: 04.7333071, Ban chỉ đạo sẽ có biện pháp xử lý vi phạm.

Đồng thời, ông Tuấn cũng khuyến cáo, lượng hàng hóa tiêu thụ trong đợt Tết tăng lên rất nhiều, vấn đề chất lượng hàng hóa cũng khó kiểm soát hơn, do đó người tiêu dùng chỉ nên chọn những sản phẩm có nhãn mác đầy đủ, địa chỉ rõ ràng hay đến mua thực phẩm ở những cơ sở uy tín.

Tiến Hưng