Thực phẩm an toàn: Mua nhưng vẫn thấy lo

ANTD.VN - “Bỏ tiền mua thực phẩm an toàn vẫn lo không sạch” - đây là vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý cũng như nhiều cơ sở sản xuất, phân phối thực phẩm nêu ra trước thực tế người tiêu dùng phải đối mặt với các sản phẩm đóng mác an toàn nhưng rất khó để phân biệt thật giả.

Thực phẩm an toàn: Mua nhưng vẫn thấy lo ảnh 1Người tiêu dùng sẽ hưởng lợi khi doanh nghiệp phân phối bắt tay chặt hơn với nhà sản xuất 

“Mạnh ai nấy làm”

Hiện nay, Hà Nội đã hình thành 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, 157ha cây ăn quả và trên 80ha chè VietGap. Diện tích rau an toàn được quản lý và cấp giấy chứng nhận đạt 5.000ha, diện tích giám sát sản xuất theo VietGap đạt 352,7ha và trên 40ha rau hữu cơ. Thành phố hiện có 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 3.232 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư. 

Hà Nội cũng đã xây dựng được 11 chuỗi liên kết sản phẩm rau an toàn, 21 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tổng sản lượng sản phẩm các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đạt hàng nghìn tấn rau, 4.500 tấn thịt lợn, 3.100 tấn thịt gia cầm, 140 triệu quả trứng gia cầm, 29.000 tấn sữa tươi. Dù vậy, việc sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội còn có những hạn chế. Đa số cơ sở sản xuất hoạt động theo hình thức “mạnh ai nấy làm”, dẫn đến khó khăn trong quá trình kết nối với doanh nghiệp phân phối, sản phẩm tạo ra có tính cạnh tranh thấp.

Ngoài ra, thực tế đã ghi nhận một số cơ sở sản xuất và doanh nghiệp phân phối vì chạy theo lợi nhuận nên đã không tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất an toàn. Thậm chí, có cơ sở còn trà trộn sản phẩm kém chất lượng để đưa vào tiêu thụ hay mua giấy chứng nhận an toàn... Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng.

Ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc điều hành Công ty CP tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm cho hay: “Thực phẩm bẩn rất đa dạng về hình thức, tinh vi về cách thức tiêu thụ khiến người tiêu dùng khó khăn khi lựa chọn, thậm chí mất niềm tin. Điều này dẫn tới việc người mua luôn đứng ở thế phòng thủ, vừa mua vừa lo”.  

Sản xuất và tiêu thụ chưa gặp nhau

Trong khi người tiêu dùng còn ngần ngại thì những nhà sản xuất thực phẩm an toàn vẫn đang loay hoay tìm đầu ra. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, vấn đề đầu ra cho các hộ sản xuất vẫn đang là bài toán khó giải quyết. Điều này đặt hàng loạt sản phẩm nông sản Việt, dù ngon, nổi tiếng nhưng vẫn luôn trong tình cảnh hết sức bấp bênh, thường xuyên rơi vào cảnh được mùa mất giá và ngược lại. 

Đứng giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng là hệ thống phân phối nhưng hệ thống này đến nay vẫn chưa tạo được sự liên kết chặt chẽ với các cơ sở sản xuất. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ rõ: “Cửa hàng tiện ích chính là nơi tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, tuy nhiên ở Việt Nam, hệ thống này chưa phát triển, 69.000 người dân mới có một cửa hàng tiện ích, trong khi đó tỷ lệ này tại Hàn Quốc là 1.800. Có nhiều điểm bán thịt gia súc, gia cầm tươi sống ở các khu dân cư, chợ cóc, chợ dân sinh dù chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm nhưng vẫn dễ dàng cạnh tranh với hệ thống bán lẻ hiện đại do chi phí thấp”.  

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên nhưng chủ yếu là do điều kiện tiêu chuẩn của hai bên chưa gặp nhau ở một điểm. Dù là sản phẩm sạch nhưng quy trình sản xuất của người nông dân ít được đặt dưới sự giám sát, do đó, rất khó chứng minh được quy trình sản xuất là khoa học, sản phẩm làm ra là an toàn. 

Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (Hà Nội) thừa nhận: “Sản xuất, chăn nuôi sạch đòi hỏi chi phí lớn và thực hiện quy trình khép kín. Đó là chưa kể, nếu muốn sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, người dân phải bỏ tiền túi xin kiểm nghiệm, cấp chứng nhận và lo từ đầu vào đến đầu ra. Với một hộ dân, chi phí cho những vấn đề đó quá lớn và họ không muốn làm”. 

Do đó, theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, chủ trương tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp phân phối với nông dân trong sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn là hướng đi đúng và cần thiết. Bởi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, mới đủ khả năng tiếp cận thị trường, qua đó định hướng được đầu vào, đưa khoa học - công nghệ đến với nông dân và bao tiêu sản phẩm. “Quan trọng là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kết nối trực tiếp giữa các nhà sản xuất với các nhà bán lẻ. Cụ thể là hỗ trợ thành lập các trung tâm giao dịch hàng hóa hoặc tổ chức các phiên chợ giao dịch hàng hóa định kỳ”, bà Đinh Thị Mỹ Loan đề xuất.