Thực lực đôi bên trong "cuộc chiến hàng không" giữa Mỹ và Trung Quốc

ANTD.VN - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây được cho là sử dụng lệnh cấm các hãng hàng không Trung Quốc đến Mỹ để gây áp lực buộc Bắc Kinh cho phép các hãng hàng không Mỹ mở lại các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục. Liệu “chiến tranh hàng không” có phải là lĩnh vực mới trong căng thẳng giữa hai cường quốc này liên quan đến đại dịch Covid-19? 

Thực lực đôi bên trong "cuộc chiến hàng không" giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh 1Hàng không nội địa Trung Quốc đã nhanh chóng hồi phục dù chịu ảnh hưởng của Covid-19

Nước Mỹ với chiến thuật “trừng phạt” trước tiên

Ngày 4-6, chính quyền của Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ cấm các hãng hàng không Trung Quốc bay sang Mỹ sau ngày 16-6, trừ khi Trung Quốc mở cửa cho các hãng hàng không Mỹ. Tuyên bố này chính thức phát động một cuộc chiến về hàng không cùng với chiến thương mại âm ỉ giữa hai nước thời gian gần đây. 

Ngay sau đó, Trung Quốc cho biết họ sẽ giảm bớt các hạn chế đối với hàng không nước ngoài nhưng vẫn ưu tiên ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh nhiễm Covid-19. Điều này đồng nghĩa là, các hãng hàng không Mỹ được phép thực hiện 2 chuyến mỗi tuần tới các thành phố Trung Quốc từ ngày 8-6, mặc dù thấp hơn đáng kể so với những gì Chính phủ Mỹ đã thỏa thuận với Trung Quốc, và với điều kiện tiên quyết là không hành khách nào có xét nghiệm dương tính với Covid-19 trong 3 lần liên tiếp. Đến lượt mình, Mỹ cũng không dỡ bỏ lệnh cấm, cho phép hàng không Trung Quốc được vào Mỹ bằng đúng số lượng chuyến mà Bắc Kinh cấp phép cho hàng không Mỹ.

Giới quan sát nghi ngờ rằng Mỹ ban hành lệnh đình chỉ các chuyến bay từ Trung Quốc chỉ nửa ngày trước khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách cho thấy, đây là một động thái ám chỉ rằng Mỹ đang tiếp tục sử dụng chiến thuật cũ là cứ “trừng phạt” trước, để buộc Trung Quốc phải tuân theo. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã bác bỏ nghi ngờ này.

“Các quy tắc mới mà Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) đưa ra hôm 4-6 về nới lỏng hạn chế đã được chuẩn bị trong nhiều ngày. Điều này không phải do sức ép từ lệnh cấm bay của Washington, mặc dù chỉ cách nhau vài giờ”, ông Trịnh Hồng Phong, CEO của VariFlight, nhà cung cấp thông tin công nghiệp nói với tờ Thời báo Hoàn cầu hôm 6-6. Nguồn tin này cho biết, Trung Quốc xem xét mở thêm 64 chuyến bay quốc tế, đưa tổng số lượt khách quốc tế lên khoảng 33.000 người mỗi tuần. Những con số này muốn đưa ra phải có thời gian để các cơ quan liên quan như ngoại giao, y tế, nhập cư có sự chuẩn bị đầy đủ.

Và một thực tế là, càng trong đại dịch Covid-19, Trung Quốc càng chứng tỏ ưu thế vượt trội về ngành vận tải hàng không.

Hàng không Trung Quốc không mất đà vì dịch bệnh

Thực tế, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của Trung Quốc tăng gần 4 lần từ năm 2008 đến 2018. Vào năm 2019, họ đã tạo ra 18% lưu lượng hành khách của hãng hàng không thế giới, trị giá 89 tỷ USD mỗi năm. Qua so sánh, khu vực lớn nhất là Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh, với 25%, trị giá 169 tỷ USD. 8 sân bay bận rộn nhất ở Trung Quốc trong 1 năm đón lượng hành khách vượt hơn cả toàn bộ dân số Mỹ: tổng cộng hơn 482 triệu lượt người.

Trước khi thế giới biết đến virus Corona mới, dịch bệnh này đã bùng phát ở Trung Quốc trong một khoảng thời gian nhất định. Các nhà dịch tễ học đã xác định rằng, khoảng đầu tháng 12, virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc. Thật không may, thành phố Vũ Hán với cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại và là cổng trung chuyển ra khắp thế giới đã trở thành nơi hoàn hảo cho sự lây lan nhanh chóng của mầm bệnh.

Một so sánh khác, khi virus SARS xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông, miền Đông Nam Trung Quốc vào cuối năm 2002, hàng không Trung Quốc chưa ở mức bùng nổ như bây giờ. Virus đó đã đến Hồng Kông vào tháng 2-2003 và Bắc Kinh vào tháng 4-2003. Hồng Kông và Singapore khi đó là trung tâm hàng không chính trong khu vực. Từ Hồng Kông, virus đã lan sang Singapore, Toronto và Hà Nội. Cuối cùng, nó đã xuất hiện ở 26 quốc gia, với tổng số 774 ca tử vong nhưng đã được ngăn chặn mà không trở thành đại dịch.

Phải nói thêm rằng, trong đại dịch Covid-19 này, cũng khác với các đợt bùng phát dịch lớn trước đây, hàng không nội địa Trung Quốc đã bị hạn chế, nhưng chưa bao giờ ngừng hoạt động hoàn toàn. Thời kỳ thấp điểm nhất là vào giữa tháng 2-2020, các chuyến bay nội địa ở nước này duy trì ở mức 3,7 triệu chỗ trong 1 tuần. Đến ngày 24-5, khi các lệnh hạn chế đã nới lỏng, giao thông hàng không đã tăng trở lại, lên tới hơn 11 triệu chỗ mỗi tuần. Mức này thấp hơn so với mức dự báo 16,8 triệu ghế mỗi tuần từ tháng 1 đến tháng 4 trong kế hoạch tăng trưởng du lịch hàng không của Trung Quốc nhưng vẫn là con số lý tưởng với các nước khác, thậm chí ngay cả ở Mỹ. 

Tại Mỹ, số lượng hành khách bay nội địa mỗi tuần trong tháng 5 trung bình khoảng 1,75 triệu lượt người, trong khi năm ngoái con số này là 18 triệu. Bên cạnh đó, dịch bệnh đã khiến các hãng hàng không lớn của Mỹ như United Airlines, Delta Air Lines đã đình chỉ tất cả các chuyến bay tới Trung Quốc vào tháng 2 và sẽ phải xây dựng lại từ đầu.   “Các hãng hàng không Trung Quốc may mắn có được một thị trường nội địa rộng lớn để phục vụ. Nhu cầu và năng lực trong nước đang giúp hàng không Trung Quốc phục hồi trước so với nhiều thị trường khác”, John Grant, một nhà phân tích tại ngân hàng dữ liệu hàng không quốc tế OAG đánh giá.

Cơ hội trong khủng hoảng

Trung Quốc có khoảng 40 hãng hàng không, hoạt động dưới sự quản lý của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) và cổ đông lớn của họ là Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản nhà nước. Sự kiểm soát từ trên xuống này giúp chính phủ Trung Quốc nắm bắt chặt chẽ hơn các hoạt động của hàng không thương mại so với bất kỳ quốc gia nào khác vì CAAC có quyền kiểm soát trực tiếp các sân bay, hãng hàng không và phân bổ các tuyến bay. Sự tập trung quyền lực này sẽ quyết định cho tốc độ phục hồi du lịch hàng không nội địa Trung Quốc.

Trên thực tế, Trung Quốc sẵn sàng khai thác cơ hội do đại dịch Covid-19 tạo ra ở lĩnh vực hàng không. Họ được ví như một con bạch tuộc vĩ đại đang vươn vòi trên khắp các tuyến đường hàng không của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chính phủ Trung Quốc có thể bật đèn xanh cho các hãng hàng không của họ như China Southern Airlines - hãng hàng không lớn nhất châu Á - bắt đầu xây dựng lại doanh nghiệp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong khi hạn chế quyền truy cập của các hãng hàng không Mỹ vào Trung Quốc.

Ngay khi thấy rằng đại dịch đã tạo ra một nhu cầu lớn về hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, đặc biệt là các sản phẩm y tế từ Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã quyết định thành lập một hãng vận tải hàng không lớn tương đương với FedEx để chở hàng đi khắp thế giới.

Với việc Mỹ phát động cuộc chiến thương mại bảo hộ các ngành kinh doanh và dịch vụ trong nước, giờ đây kết hợp với những căng thẳng về chính trị với Trung Quốc, Mỹ có thể có những bước đi riêng để giành ưu thế về cạnh tranh thời kỳ hậu Covid-19. Nhưng riêng trong lĩnh vực hàng không, đại dịch Covid-19 là dịp Trung Quốc củng cố vị thế của các hãng hàng không của nước này trên thị trường toàn cầu. Ở “cuộc chiến hàng không” này, Bắc Kinh dường như đã hoàn toàn nắm trong tay các tuyến vận chuyển khắp châu Á - Thái Bình Dương.  

“Trong đại dịch Covid-19 này, hàng không nội địa Trung Quốc đã bị hạn chế, nhưng chưa bao giờ ngừng hoạt động hoàn toàn. Thời kỳ thấp điểm nhất là vào giữa tháng 2-2020, các chuyến bay nội địa ở nước này duy trì ở mức 3,7 triệu chỗ trong 1 tuần. Đến ngày 24-5, khi các lệnh hạn chế đã nới lỏng, giao thông hàng không đã tăng trở lại, lên tới hơn 11 triệu chỗ mỗi tuần. Đây cũng là dịp Trung Quốc củng cố vị thế của các hãng hàng không của nước này trên thị trường toàn cầu.