Thực hư việc nhiều BV kêu lỗ hàng trăm tỷ đồng

ANTĐ - Trong cuộc đối thoại với người dân, ngoài các câu hỏi liên quan đến việc tăng viện phí, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng như lãnh đạo các BV nêu thực trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ hàng trăm tỷ đồng do… viện phí quá thấp.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra, tình trạng các BV báo cáo lỗ do viện phí thấp rất nhiều, thậm chí có thể nói là nhiều BV đang “hấp hối”. “Bộ Y tế, Sở Y tế nắm khá chắc nguồn thu chi của các BV và có thể nói với mức thu hiện nay, những người quản lý chịu áp lực rất lớn. Nhiều BV nói hình ảnh là tự ăn thịt mình, họ khẳng định tồn tại như thế này là một nỗ lực rất lớn… Đơn cử, BV Bạch Mai cho biết, năm 2011 nợ 70 tỷ đồng nếu Bộ không cấp thêm kinh phí vì lương cơ bản tăng” - Bộ trưởng Bộ Y tế lấy ví dụ.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) Phạm Lê Tuấn phân tích cụ thể hơn: “Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận được ý kiến của các đơn vị trực thuộc và các tỉnh về vấn đề thiếu kinh phí, điển hình như BV Bạch Mai, Lão khoa, Học viện Y học cổ truyền… Có BV ở đồng bằng sông Cửu Long nói một năm lỗ khoảng 600 triệu đồng, Giám đốc BV phải co kéo từ khoản này sang khoản khác, ảnh hưởng nhiều đến việc duy tu bảo dưỡng, vệ sinh môi trường… vì phải tập trung cho người bệnh”.

Vậy thực hư vấn đề này như thế nào? PV ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam:

- PV: Bộ Y tế nói giá viện phí quá thấp khiến nhiều BV “hấp hối” nên việc tăng viện phí là cần thiết. Liệu bản chất vấn đề có thực sự là vậy?

- Ông Phạm Lương Sơn: Đúng là giá viện phí ban hành năm 1995 so với thời điểm hiện nay quá thấp. Tuy nhiên, Thông tư 03 năm 2006 đã điều chỉnh lại một phần giá dịch vụ y tế và có thể nói giá viện phí theo Thông tư 03 (áp dụng từ năm 2006 đến nay) tiệm cận với mức giá tính đúng, tính đủ. Thậm chí tôi có thể nói, ngay cả các BV tư nhân, ngoài công lập áp dụng khung giá viện phí theo Thông tư 03 cũng hoàn toàn có thể tự đáp ứng, đảm bảo được thu chi. Hơn nữa, trong Thông tư 03 có quy định khung giá viện phí tối thiểu-tối đa rất lớn và lộ trình cuối cùng thực hiện khung giá tối đa này chính là đến năm 2012. Do đó, thông tư về việc điều chỉnh giá của 477 dịch vụ y tế được ban hành và có hiệu lực vào năm 2012 này là một thành công của Bộ Y tế.

- PV: Rất nhiều ý kiến từ các BV, đại diện Bộ Y tế so sánh giá một lần khám bệnh hiện nay là 3.000 đồng, không bằng một mớ rau. Có vẻ như có lý?

- Ông Phạm Lương Sơn: Giá một lần khám chữa bệnh bằng 3.000 đồng đúng là thấp nhưng nói quá thấp chỉ mới đúng một nửa. Theo cơ chế xây dựng giá viện phí thì có 7 yếu tố cấu thành giá viện phí. Nghĩa là, tiền khám chữa bệnh không phải chỉ bao gồm công khám mà còn là một phần chi phí cần thiết cho việc thực hiện khám chữa bệnh. Ở thời điểm xây dựng giá viện phí cũ (hiện đang áp dụng) thì mức giá 3.000 đồng đã bao gồm chi phí về bông, băng, gạc, đồ vải… chưa tính tới 2 nhóm cơ cấu về chi phí điện nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường cũng như chi phí duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị, mua sắm công cụ trực tiếp khám chữa bệnh. Tuy nhiên, tại thời điểm giá viện phí được áp dụng thì 2 nhóm cơ cấu trong khung giá viện phí này được ngân sách Nhà nước chi trả. Vì vậy có thể nói, giá 3.000 đồng/1 lần khám chữa bệnh cơ bản là đã được tính đủ. Tương tự là tiền giường khám chữa bệnh. 

- PV: Nói như vậy thì viện phí hiện nay không phải là thấp. Vậy tại sao các BV lại kêu lỗ, không thể duy trì hoạt động được do viện phí thấp?

- Ông Phạm Lương Sơn: Theo tôi, cần phải tìm hiểu rõ bản chất của việc lỗ này là như thế nào, căn nguyên gây lỗ từ đâu? Có thể thấy nguyên nhân BV lỗ là do giá viện phí mới chỉ tính đến một nhóm yếu tố trong 7 yếu tố cấu thành giá viện phí, 6 nhóm yếu tố cấu thành giá viện phí còn lại được ngân sách Nhà nước cấp nhưng cấp không đủ. Tuy nhiên, Nhà nước đã có chính sách tháo gỡ bằng cách giao quyền tự chủ cho các BV (theo Nghị định 43), cho các BV được xã hội hóa để tăng nguồn thu một cách hợp pháp và hợp lý để trang trải. Không loại trừ khả năng BV lỗ là do nội lực từ chính BV. 

Còn nếu BV lỗ thực sự do yếu tố viện phí thì giá viện phí mới sắp áp dụng sẽ giải quyết được khó khăn này vì trong kết cấu giá viện phí mới đã đưa 2 nhóm cơ cấu chí phí (nói trên) vào 4 nhóm cơ cấu khi tính giá viện phí còn lại như xây dựng cơ sở hạ tầng BV, tiền lương, khấu hao tài sản cố định vẫn được ngân sách Nhà nước chi trả.

- PV: Vậy ông kỳ vọng gì khi áp dụng giá viện phí mới?

- Ông Phạm Lương Sơn: Mục tiêu của cơ quan BHXH đặt ra khi viện phí tăng là phải bảo vệ quyền lợi của người bệnh và cân đối quỹ BHYT để đảm bảo nguồn tài chính. Với quyền lợi người bệnh, khi viện phí tăng thì chất lượng khám chữa bệnh phải tăng. Mức độ tăng thế nào có thể tùy nơi, tùy chỗ nhưng tóm lại chất lượng phải tăng, cả về chất lượng dịch vụ lẫn thái độ phục vụ. Thứ hai, bệnh nhân sẽ không phải nộp thêm tiền những khoản chi phí thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Mặt khác, phải kiểm soát được tình trạng lạm dụng quỹ BHYT tại các cơ sở y tế.