Thực hư về suối cá thần

ANTĐ - Không phải tự nhiên mà trong chuyến đi dọc đường Hồ Chí Minh huyền thoại, tôi đã dừng ghé lại suối Cá thần Cẩm Lương (còn gọi là Mó Ngọc) nằm bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, thuộc huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Cũng bởi nghe nói từ lâu về một dòng suối kỳ lạ với hàng ngàn con cá lớn nhỏ chẳng bao giờ bơi đi chỗ khác, cứ chen chúc miệt mài ngược dòng nước ngọc trong veo rúc vào khe đá. Rồi cả những câu chuyện ly kỳ có màu sắc huyền thoại khiến người nghe tò mò, thắc mắc.

Từ thị trấn Cẩm Thủy, chỉ mất chừng 20 phút đi xe là đến xã Cẩm Lương, nơi có suối cá kỳ lạ. Có câu chuyện kể rằng: “Từ thuở khai thiên lập địa, vào một năm nọ thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, mất mùa quanh năm, đẩy người dân bản Ngọc vào cuộc sống túng khó. Có đôi vợ chồng trong bản hiếm muộn, đi làm đồng về và nhặt được quả trứng có hình thù lạ. Người vợ đem quả trứng ra suối Ngọc thả xuống nhưng quả trứng không chịu rời khỏi tay. Hai vợ chồng quyết định đem quả trứng về nhà đặt vào ổ gà đang ấp, quả trứng lại nở ra một con rắn. Sợ quá người chồng lại đem con rắn ra suối Ngọc thả nhưng đến tối con rắn lại bò về gia đình vợ chồng này. Sau đó họ quyết định nuôi con rắn đó. Thật bất ngờ từ đó đồng ruộng, hoa màu luôn tốt tươi, đời sống nhân dân ấm no. Và chàng rắn này đã trở thành vị cứu tinh được mọi người tôn sùng. Nhưng đến một hôm trời nổi giông, bão, sấm chớp. Sau cơn giông bão, mọi người thấy xác rắn nằm bên núi Trường Sinh, đầu hướng về bản Ngọc. Thương tiếc cho chàng rắn, mọi người đem xác chôn dưới chân núi Trường Sinh và lập đền thờ gọi là Ngọc Từ. Từ đó ở suối Ngọc dưới chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn cá thần luôn quây quần trước đền Ngọc Từ để hầu hạ chàng rắn…”.

Thực hư thế nào không ai dám thử, nhưng từ lâu nay, người dân địa phương vẫn luôn cho rằng, nếu bắt cá dưới suối thì sẽ gặp đủ điều không may. Từ đó mà mọi người càng gìn giữ mó cá. Điều kỳ lạ nhất đối với du khách, đó là chỉ có một dòng nước từ một hốc đá ngầm chảy từ chân núi mà có tới hàng ngàn, hàng vạn con cá nối đuôi bơi ra, bơi vào. Hơn nữa hình thù của những con cá nơi này không giống với cá bình thường, hình cá chép, môi đỏ rực, có khuyên tai to lộ rõ, thân cá màu đỏ hồng”.

Hiện tại ở Thanh Hóa có 3 suối cá thần. Ngoài suối cá Cẩm Lương còn có suối cá Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước và suối cá Cẩm Liên (còn được gọi là Mó Đóng) thuộc địa phận thôn Rùng, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thuỷ. Tuy nhiên, chỉ có suối cá thần Cẩm Lương mới mang nhiều câu chuyện ly kỳ như vậy.

Đến suối cá thần Cẩm Lương, dưới làn nước trong veo như ngọc, hàng ngàn hàng vạn con cá lớn nhỏ cứ nối nhau chen chúc rúc vào mó nước. Những con cá ở đây dường như cũng quen với sự xuất hiện của rất đông du khách đến thăm. 

Đến thăm Suối cá thần Cẩm Lương, ngoài việc được tận mắt chứng kiến dòng suối cá kỳ lạ, du khách còn được tham quan động Đăng, một hang động ăn sâu vào trong lòng núi Trường Sinh. Nguồn nước suối cá thần cũng bắt nguồn chính từ trong lòng động đá này. Đi xuyên qua Động Đăng, du khách sẽ tham quan một khu rừng nguyên sinh vẫn còn giữ nguyên vẻ hoang sơ với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới, thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương kỳ thú.