Thực hư về “khoá học kỳ lạ”: Bài học có một không hai

ANTĐ - Không có chỗ cho sự gò bó hay căng thẳng, tất cả đều tự do, thoải mái thể hiện mình, giải phóng khỏi khuôn mẫu cố hữu… Đó là những quảng cáo đầy ấn tượng cho các khoá học “thoát xác” gây xôn xao dư luận thời gian gần đây…

Càng nghe càng không hiểu

Lắng nghe giảng viên hướng dẫn... và chuyển động theo âm nhạc

Được biết, những khoá học này do Công ty TNHH Sáng tạo và phát triển cộng đồng Life art tổ chức… nằm khiêm tốn trên tầng 2 toà nhà 54-56 Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa.

“Muốn “thoát xác” bạn phải trải nghiệm, chỉ có trải nghiệm trong những lớp học của chúng tôi bạn mới có thể hiểu được những điều mà bạn muốn thể hiện nhưng bị những rào cản của định kiến, những thứ nguyên tắc do bạn hay người khác tạo ra. Và khi những rào cản này được xoá bỏ, bạn sẽ tập trung suy nghĩ, khám phá cơ thể, cảm xúc của mình, những điều tưởng như xa lạ nhưng thực ra vẫn tồn tại trong chính con người bạn. Nếu chỉ nghe giải thích thì càng nghe bạn càng chẳng hiểu gì về nó…” - một giảng viên của trung tâm giải thích. Để tận mắt chứng kiến sự “thoát xác” của các học viên, chúng tôi đã đến quan sát lớp học “Cuồng” chiều 3-5. Theo thông tin quảng cáo của Trung tâm Life art thì “Cuồng” là một khoá học khám phá và sáng tạo cùng chuyển động cơ thể và dù bạn là diễn viên múa chuyên nghiệp hay chưa bao giờ nhún nhảy, với khoá học này bạn sẽ luôn tìm thấy sự mới lạ và đạt được sự giải phóng và sáng tạo với chuyển động của cơ thể và khoá học này là duy nhất tại Việt Nam.

Kéo tấm cửa kính, bước qua một tấm rèm màu đen, chúng tôi được giảng viên đưa vào lớp học. Đó là một căn phòng trống trơn, kiểu như phòng dạy múa, có diện tích khá rộng, khoảng 50m2, xung quanh treo những tấm rèm màu đen và hầu như không được trang trí bởi bất cứ vật dụng nào. Ấn tượng duy nhất đập vào mắt chúng tôi là ánh sáng được chiếu ra từ chiếc đèn tuýp bố trí giữa phòng, như một điểm nhấn khiến nó trở nên huyền ảo, thậm chí có phần “ma mị”. Theo giảng viên của Trung tâm Life art, sở dĩ họ cho thiết kế “lớp học” đặc biệt như vậy, bởi không muốn học viên bị phân tán suy nghĩ, tập trung vào những vật dụng hiện hữu trong căn phòng. Sự tối giản trong bố cục của lớp học sẽ giúp học viên có thể thả lỏng cơ thể, tự do hướng cảm xúc, suy nghĩ vào những thứ đang tồn tại trong chính con người mình. 

Học viên như lên đồng!?

“Khi tôi bật nhạc lên, tất cả mọi người phải đi lại, chuyển động cơ thể với tư thế kỳ quặc. Khi nhạc tắt, mọi người phải dừng chuyển động giống như trạng thái bị đông cứng. Nếu ai đi lại như bình thường sẽ bị phạt…”. Sau màn vỗ tay chào hỏi các học viên, giảng viên bắt đầu buổi học bằng dặn dò khá kỳ lạ như thế. Một bản nhạc tiếng Anh sôi động nổi lên, giảng viên đứng trong phòng điều khiển âm thanh hô: “Tất cả mọi người chuyển động kỳ quặc cho tôi thấy. Hãy làm những động tác mà các bạn chưa từng làm bao giờ…”. Đáp lại yêu cầu của thầy giáo, 8 học viên gồm đủ mọi lứa tuổi đi lại, lăn lê bò toài và làm những động tác không thể lý giải nổi. Sau bản nhạc sôi động, một bản nhạc nhẹ hơn vang lên. Lúc này, các học viên bắt đầu chuyển sang những động tác “điên” hơn, người thì đi như say rượu, người thì đầu cắm xuống sàn tập kiểu trồng cây chuối, người thì co quắp thể hiện sự đau đớn, người thì ngồi thẫn thờ một góc, rồi thi thoảng đưa mắt ngước nhìn xa xăm, đầu tóc rũ rượi, cười, khóc điên dại... Chỉ quan sát lớp học chưa đầy 30 phút, chúng tôi mới hiểu tại sao nó có cái tên khá ấn tượng là “cuồng”. Những gì mà giảng viên muốn học viên thể hiện trong lớp học này xem ra có một không hai.

Chưa hài lòng với những chuyển động của học viên, giảng viên tiếp tục bật một bản nhạc như tiếng cồng chiêng Tây Nguyên rồi tiếp tục nhắc họ phải chuyển động theo bản nhạc ở mức độ cao hơn. “Hãy tưởng tượng ra các tư thế, thử nghiệm với những “chất liệu” khác nhau, thử xem các bạn sẽ chuyển qua ngôn ngữ của chuyển động cơ thể như thế nào và biến nó thành hành động có ý nghĩa…”.

Dứt lời, giảng viên này minh hoạ bằng những động tác khá ấn tượng. Trong ánh sáng ma mị, chỉ tập trung ở giữa lớp học, anh ta gồng mình, mặt đỏ tía tai, hai tay đưa lên vai như mang vác một tảng đá lớn. Chưa dừng lại ở đó, giảng viên tiếp tục thể hiện những động tác như kéo lưới đánh cá, lăn lộn dưới sàn nhà kiểu như đang rình bắt muỗi, xoạc chân, rồi đưa mắt ngó nghiêng như Tôn Ngộ Không… để minh hoạ cho các học viên. Sau những màn chuyển động, rồi đột ngột đông cứng được thể hiện trên nền những bản nhạc với nhiều thể loại khác nhau, chúng tôi có cảm giác đây giống như một phòng tập kịch hình thể hơn là một lớp học và những động tác mà học viên “cuồng” thông qua ngôn ngữ của cơ thể chẳng khác nào lên đồng. 

Ông Hồ Ngọc Bảo Khiêm, cán bộ chương trình Trung tâm Life art cho biết: “Lớp học “cuồng” là sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Đây chỉ là một lớp học trong khoá học “thoát xác” mà trung tâm hướng dẫn cho học viên. Chúng tôi muốn cho học viên hiểu rằng tất cả họ đều là thiên tài, bởi tiềm năng của mỗi người là vô hạn. Trong một con người sẽ có rất nhiều con người khác nhau và người học sẽ phát hiện ra những tiềm năng của chính mình qua những trải nghiệm của tư duy, cảm xúc và cơ thể. Cái mọi người có được sau khoá học là họ biết yêu thương bản thân mình hơn. Họ không phải học ở đâu xa hay học từ bất kỳ ai mà học từ chính bản thân mình. Họ sẽ không chối bỏ bất kỳ tiềm năng nào của bản thân, vượt qua những rào cản để tự do hoá thân vào những con người khác nhau và khám phá chính mình. Chúng tôi muốn cho học viên thấy cơ thể của mỗi người là rất kỳ diệu…”. Song, với những kiến thức mà giảng viên truyền đạt tới học viên, cũng như những gì chúng tôi đích thân mục sở thị một phần của khoá học “thoát xác” thì xem ra sự “thoát xác” mà mọi người có thể đạt tới vẫn còn là một ẩn số…

(Còn nữa)