Thực hư Triều Tiên sở hữu bom nhiệt hạch

ANTĐ - Các chuyên gia về nguyên tử ngày 6-1 đón nhận thông tin Triều Tiên thử quả bom nhiệt hạch (bom H) đầu tiên với đầy ngờ vực, vì cường độ địa chấn gây ra chỉ tương đương với vụ nổ của một quả bom có sức công phá nhẹ hơn. 

Thực hư Triều Tiên sở hữu bom nhiệt hạch ảnh 1

Người dân Triều Tiên theo dõi thông báo thử bom H

Giới chuyên gia hiện vẫn đang theo dõi và thu thập thông tin để có thể xác định vụ thử của Bình Nhưỡng có đúng là bom H hay không. Vụ thử diễn ra hai ngày trước sinh nhật lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã gây ra một vụ động đất ở mức 5,1 độ Richter ở cách Kilju khoảng 50km về phía Tây Bắc, gần địa điểm thử nguyên tử Punggye-ri. Chuyên gia nguyên tử Crispin Rovere nhận xét: “Các dữ liệu địa chấn cho thấy vụ nổ rõ ràng là không mạnh như những gì người ta chờ đợi trong một vụ thử bom H. Thoạt nhìn thì có vẻ Triều Tiên đã thử nguyên tử thành công, nhưng họ không tiến được đến giai đoạn hai”.

Các quả bom A, tức bom nguyên tử chế tạo bằng phương pháp phân hạch - phân rã uranium hay plutonium, giải phóng ra khối năng lượng nhỏ hơn so với bom H. Bom H sử dụng trước hết là kỹ thuật phân hạch, rồi đến hợp hạch tức tổng hợp nguyên tử, theo một phản ứng dây chuyền. Ông Choi Kang, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Chính trị ở Seoul cũng nhận định: “Tôi không nghĩ rằng đó là bom H, vì vụ nổ sẽ phải mạnh hơn nhiều. Có lẽ Bình Nhưỡng gọi là bom H vì nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đe dọa là Bình Nhưỡng đã hoàn chỉnh được bom H”.  

Triều Tiên thường có những tuyên bố không thể kiểm chứng về chương trình nguyên tử của họ. Bình Nhưỡng còn khẳng định có thể phóng tên lửa sang lãnh thổ Mỹ, một điều mà các chuyên gia cho là không thể thực hiện được, ít nhất là trong lúc này. Dù vậy, hồi tháng 9-2015, Viện Nghiên cứu Khoa học và An ninh Quốc tế (ISSI) đã cảnh báo về một nhà máy xử lý vật liệu phóng xạ mới đang được xây dựng ở Yongbyon, cơ sở nguyên tử chính của Triều Tiên. Cơ sở này có thể được sử dụng để tách biệt các nguyên tố đồng vị và sản xuất ra tritium - một trong những nguyên tố đồng vị của hydrogen và là một thành phần cơ bản để sản xuất ra các quả bom nhiệt hạch.

Chuyên gia phân tích Bruce Bennett của Rand Corporation cũng tỏ ra nghi ngờ về khả năng Triều Tiên thử bom H. Ông nói: “Nếu đó là một quả bom H thực sự, thì sẽ gây ra động đất mạnh hơn rất nhiều. Theo ông Bennett, vụ nổ ngày 6-1 chỉ tương đương với một quả bom từ 10.000-15.000 tấn, cỡ bằng quả bom nguyên tử đã thả xuống Hiroshima năm 1945. Nếu là bom nhiệt hạch thì có thể quy trình hợp hạch đã bị thất bại, hoặc quy trình phân hạch đã diễn ra không chính xác. 

Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên làm dấy lên căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên và khu vực xung quanh đúng lúc Mỹ đang phải “toàn tâm toàn ý” vào khu vực Trung Đông. Cả Tokyo lẫn Seoul đều lên án hành động của Triều Tiên và vụ việc thậm chí có thể đẩy nhanh cuộc cải tổ lực lượng quốc phòng của Nhật Bản. Tuy nhiên, nhìn chung cộng đồng quốc tế gần như không còn phương án nào để đối phó với vụ thử của Triều Tiên.

Bình Nhưỡng vốn đã phải hứng chịu rất nhiều biện pháp trừng phạt sau 3 lần thử hạt nhân trước vào các năm 2006, 2009, 2013 và mọi nỗ lực của Triều Tiên nhằm thoát khỏi thế bị bao vây cô lập đều thất bại. Những phương án quân sự có rất nhiều hạn chế trong khi hầu hết các kênh tiếp xúc ngoại giao đang bị tê liệt.

Theo quan điểm của Bình Nhưỡng, bất kỳ động thái nào nhằm củng cố vị thế lâu dài của họ đều đáng để phải chịu những gián đoạn nhỏ trong quan hệ của họ với các cường quốc bên ngoài. Và để chuẩn bị độc chiếm vị trí quyền lực cao nhất tại Triều Tiên, suốt mấy năm qua, ông Kim Jong-un đã tiến hành nhiều cuộc thanh trừng, cải cách chính trị và hiện đang thể hiện rõ quyết tâm để Triều Tiên có khả năng hạt nhân bất chấp các lệnh trừng phạt. 

Trong khi đó, ông Cheong Seong-chang, chuyên gia về Triều Tiên của Viện Sejong ở Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên tiến hành vụ thử bom nhiệt hạch để nhằm mục đích bước vào đàm phán với Mỹ với nhiều đòn bẩy hơn. Những năm gần đây, Triều Tiên ngày càng công khai mục tiêu cuối cùng là củng cố vị thế cường quốc hạt nhân và dùng vị thế đó để mặc cả với Washington và các đồng minh của Mỹ để được công nhận về ngoại giao cùng với các nhượng bộ khác.