Thực hư thông tin virus gây bệnh tay chân miệng ở Việt Nam biến đổi gen?

ANTD.VN - PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khẳng định, dù bệnh tay chân miệng hiện đang gia tăng nhanh, diễn biến phức tạp nhưng hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của virus gây bệnh này ở Việt Nam.

PGS.TS Trần Đắc Phu cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh đến báo chí

Chiều nay, 9-10, Bộ Y tế đã cung cấp thông tin về phòng, chống dịch bệnh đông xuân tới các cơ quan báo chí. Phát biểu tại đây, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, vào thời điểm hiện tại, có 3 dịch bệnh trong nước mà người dân cần lưu ý, đó là tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết.

Tính đến ngày 9-10, cả nước đã ghi nhận gần 62.000 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có hơn 29.300 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam. Số mắc chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền Nam chiếm 77,6%, trong đó 99% đối tượng mắc ở nhóm trẻ từ 1-5 tuổi.

Trước thông tin về việc virus gây bệnh tay chân miệng đã biến chủng, biến đổi kiểu gen để tạo thành virus mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu khẳng định, các type virus gây bệnh tay chân miệng ở nước ta hiện nay gặp chủ yếu là EV71 (chiếm 21%).

“EV71 là chủng dễ gây biến chứng nặng và gây tử vong, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi. Hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của virus gây bệnh tay chân miệng ở Việt Nam” - PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Về dịch bệnh sởi, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, cả nước ghi nhận gần 3.000 trường hợp sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó 1.093 trường hợp mắc sởi dương tính tại 40 tỉnh, thành phố, có 1 trường hợp tử vong tại Hưng Yên. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần.

Các tỉnh có số mắc sốt phát ban và sởi dương tính cao như: Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh. Độ tuổi mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm 21,4% và 1-4 tuổi chiếm 37,8%. Trường hợp mắc sởi dù đã được tiêm chủng chỉ chiếm 13,6%, còn lại phần lớn là các trường hợp không được tiêm chủng (chiếm 44,5%) và không rõ tiền sử tiêm chủng (chiếm 41,9%).

Về sốt xuất huyết, cả nước ghi nhận 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2017, số mắc cả nước giảm 53,6%, số tử vong giảm 22 trường hợp.