Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"

ANTD.VN - Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra hỏa hoạn, đồng thời nâng cao ý thức của người dân về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), Phòng Cảnh sát PCCC Bắc Thăng Long, thuộc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa dưới hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú. Cùng với đó, thường xuyên tập huấn, hội thao nâng cao kỹ năng xử lý tình huống, phối kết hợp chặt chẽ với đội chữa cháy cơ sở để thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ là: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Huyện Mê Linh có 3 Khu công nghiệp (KCN) gồm Quang Minh 1 (diện tích 407 ha), Quang Minh 2 (diện tích 266 ha với 136 công ty, nhà máy, doanh nghiệp đang hoạt động, cơ cấu ngành nghề đa dạng như công nghiệp sản xuất thực phẩm, đồ uống, công nghiệp dệt, sản xuất sản phẩm từ cao su, gỗ, giấy) và KCN Kim Hoa có diện tích 70 ha, đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra, huyện Mê Linh cũng có nhiều ngành nghề truyền thống công nghiệp, thủ công nghiệp đang được khôi phục và phát triển như ở Văn Lôi, Cư An… với các sản phẩm truyền thống là bánh đa nem, kẹo, mây tre đan… Trên địa bàn huyện cũng có 2 Trung tâm thương mại lớn (nằm ở các xã Quang Minh, Tiền Phong) và 8 chợ. Do đó, tình hình phòng chống cháy, nổ luôn được đặt lên hàng đầu.

Đến nay, huyện Mê Linh có trên 200 cơ sở có nguy cơ cháy, nổ nằm trong diện quản lý đặc biệt về PCCC, trong đó có hơn 20 cửa hàng xăng dầu, hàng chục cửa hàng gas lớn, nhỏ, khách sạn, nhà nghỉ, hộ kinh doanh cầm đồ, nhà cho thuê.

Tập huấn nâng cao kỹ năng xử lý đám cháy

Phát triển công nghiệp, dịch vụ luôn đi kèm theo nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ cao. Thiệt hại do hỏa hoạn gây ra rất lớn, nên công tác phòng chống cháy nổ (PCCN) luôn là yếu tố sống còn đối với các đơn vị kinh doanh và cũng là nhiệm vụ quan trọng đối với lực lượng Cảnh sát PCCC. Đa số các vụ cháy đều xảy ra vào ban đêm, thường do sự cố hệ thống điện và sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn PCCC.

Đây là thời điểm lực lượng chữa cháy tại chỗ, là người phát huy tác dụng hiệu quả dập lửa nhất, sau đó mới đến lực lượng chính quy là Cảnh sát PCCC. Đại tá Nguyễn Hải Triều, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Bắc Thăng Long cho biết: “Người chữa cháy hiệu quả là người phát hiện đám cháy sớm nhất. Tuy nhiên, để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản thì cần làm tốt công tác phòng ngừa và đây luôn là nhiệm vụ quan trọng nhất”.

Để bảo đảm an toàn PCCC tại các cơ sở, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, những loại sản phẩm dễ cháy như may mặc, khí đốt, da giầy, bao bì đóng gói, thì việc làm cần thiết phải là ý thức của người lao động trong việc PCCC và duy trì hoạt động đội PCCC, đầu tư các trang thiết bị PCCC, lắp đặt hệ thống chữa cháy và tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức PCCC cho toàn thể cán bộ, công nhân viên lao động.

Theo Đại tá Nguyễn Hải Triều, rút kinh nghiệm từ hậu quả xảy cháy tại kho gỗ trong KCN Quang Minh (xảy ra tối 19-10-2014), đến nay các cơ sở đã nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ an toàn PCCC. Từ đó, chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ngoài việc tuân thủ quy định an toàn PCCN, còn có vai trò đắc lực trong các hoạt động truyên truyền, năng nổ tham gia hội thao nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, nâng cao kỹ năng chữa cháy, thoát nạn.

Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" ảnh 2

Lực lượng PCCC cơ sở tập huấn cứu nạn, cứu hộ

Đại tá Nguyễn Hải Triều chia sẻ: "Để làm tốt công tác PCCC tại các cơ sở, doanh nghiệp, các cơ sở, doanh nghiệp cần làm tốt công tác “4 tại chỗ”, đó là “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Đây không chỉ là nhiệm vụ quan trọng, mà còn là cách giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố cháy, giải quyết bài toán “nước xa khó cứu được lửa gần”. Để mỗi người dân, cơ sở kinh doanh đều trở thành “Chiến sỹ PCCC”, đơn vị đã tổ chức thường niên hội thao, qua đó nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng PCCC".

Từ việc chủ động  tham mưu, đề xuất của Phòng Cảnh sát PCCC Bắc Thăng Long, Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp thành lập các đội PCCC dân phòng đến từng thôn, xóm, khu dân cư theo quy định của Luật PC&CC và Nghị định 79/2014/NĐ-CP.

Cho đến nay, 92 đội PCCC cơ sở, dân phòng với tổng số đội viên là 920, đã phát huy hiệu quả. Cùng với đó, việc tăng cường, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở trọng điểm có nguy hiểm về cháy, nổ và kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT - an toàn PCCC như cửa hàng kinh doanh gas, cơ sở karaoke... Qua đó đã ngăn ngừa và làm giảm nguy cơ mất an toàn về PCCC. Kết quả đạt được là năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn huyện đã kiềm chế được số vụ cháy và không có vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra.