Thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: "Tinh thần mới, khí thế mới sắp bắt đầu"

ANTD.VN - “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống làm thay đổi, lệch lạc những chuẩn mực, thang bậc giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Điều đó đã làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, uy tín của Nhà nước, làm cho nhân dân lo lắng, bất bình” - Đó là nhận định của ông Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hà Nội khi trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô bên lề hành lang Quốc hội về nguy cơ của tình trạng suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội

- PV: Ông đánh giá thế nào về tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hiện nay trong một bộ phận cán bộ, đảng viên?

- Ông Ngọ Duy Hiểu: Phải khẳng định là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay đã trở nên rất nghiêm trọng. Nó xảy ra ở bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, trở thành quốc nạn. Không chỉ mang tính cá nhân mà còn có cả tính tập thể, đặc biệt là có cả những người có chức vụ cao như nhận định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Điều đáng nói là có những cơ quan, địa phương, cán bộ, đảng viên chấp nhận, thấy bình thường trước một trong những biểu hiện của sự suy thoái đó đang diễn ra ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình. Tôi nghĩ, sự lo lắng của đồng chí Tổng Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương và đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân về tình trạng này là điều rất dễ hiểu.

- Đồng chí Tổng Bí thư đã từng cảnh báo sự suy thoái thì có thể gây ra hậu quả khôn lường nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi. Ông có thể nói rõ hơn về những hậu quả đó?

- Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ có tác động tiêu cực lớn, trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước hết, nó làm thay đổi, lệch lạc những chuẩn mực, thang bậc giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có tác hại đến sự trường tồn của dân tộc và phát triển của đất nước.

Nó làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, uy tín của Nhà nước, khiến nhân dân lo lắng, bất bình, ảnh hưởng xấu đến uy tín và vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng các cấp. Thực trạng đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cùng với các nguy cơ khác dẫn đến mất ổn định chính trị, xã hội, trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

- Tình trạng này dù đã được cảnh báo qua nhiều kỳ Đại hội nhưng dường như vẫn chưa được ngăn chặn, thậm chí còn diễn biến khá phức tạp? Theo ông, nguyên nhân vì sao?

- Theo tôi có nhiều nguyên nhân, khách quan có, chủ quan có. Đây là cuộc đấu tranh của từng cán bộ, đảng viên với chính mình, với đồng chí, đấu tranh trong nội bộ nên rất khó khăn, phức tạp. Trong khi chúng ta triển khai cuộc đấu tranh này, thế lực thù địch và những đối tượng không thiện chí tìm đủ cách lợi dụng, xuyên tạc, phá hoại Đảng và chế độ ta. Về nguyên nhân chủ quan, đó là bản thân từng cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, bị cám dỗ bởi các lợi ích.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên còn nhiều hạn chế, một số Nghị quyết hoặc nội dung trong Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa sát với thực tiễn, thiếu tính khả thi và chế tài xử lý.

Ngoài ra, công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng chưa nghiêm; hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật còn nhiều bất cập, còn nhiều sơ hở; nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa có quyết tâm chính trị cao và phương pháp khoa học, quyết liệt để cụ thể hóa và triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân vào cuộc đấu tranh này chưa hiệu quả…

Điều đáng nói là có nơi còn thiếu tính liên tục, thường xuyên, quyết liệt trong việc triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị, công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát cũng chưa được chú trọng.

- Thực tế thời gian qua, hiện tượng cán bộ tham ô, tham nhũng, cả họ làm quan, bổ nhiệm cán bộ tràn lan đã không còn cá biệt, làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đảng viên, cử tri và nhân dân cả nước rất bức xúc trước thực trạng này. Tại diễn đàn Quốc hội, không ít đại biểu Quốc hội đã nói lên bức xúc đó với những tâm trạng rất đáng chia sẻ. Câu chuyện ông Vũ Huy Hoàng, ông Trịnh Xuân Thanh hay chuyện ở một số địa phương mà báo chí nêu gần đây là những ví dụ điển hình cho thực trạng đó. Nhưng dư luận vẫn còn băn khoăn, hoài nghi với không ít trường hợp khác nữa.

Tất nhiên, không phải trường hợp nào con cái các đồng chí lãnh đạo được bầu, được bổ nhiệm cũng không xứng đáng. Có những đồng chí lãnh đạo mà con của họ được giao nhiệm vụ xứng đáng với năng lực, trình độ, phẩm chất, được dư luận ủng hộ.

Dư luận cũng đánh giá cao về nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao đã rất gương mẫu, nghiêm túc và trách nhiệm trong công tác cán bộ. Con các đồng chí này cũng chỉ đảm nhận những công việc rất bình thường mà lẽ ra thậm chí họ có thể đảm nhận vị trí cao hơn.

Mặc dù Đảng ta đã rất nỗ lực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhưng những câu chuyện đáng buồn xảy ra trong thời gian vừa qua, đang là một thách thức đối với Đảng.

Tuy vậy, khó khăn, thách thức sẽ không làm Đảng ta nản lòng hay chùn bước mà trái lại, Đảng đang thể hiện quyết tâm cao hơn, cách làm bài bản, quyết liệt và triệt để hơn qua việc ban hành Nghị quyết 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ.

- Đã từng giữ cương vị Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ông có chia sẻ kinh nghiệm gì khi Đảng đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII?

- Việc đầu tiên là làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, thấm sâu nội dung, tinh thần của Nghị quyết; Làm rõ yêu cầu, mục đích, mục tiêu cần đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết đến từng người, từng tổ chức; Tiếp tục làm tốt công tác tự phê bình và phê bình. Phải làm việc này thật nghiêm, thật bài bản.

Sau khi tự phê bình và phê bình, mỗi cá nhân, tổ chức phải có kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm với lộ trình, cách làm cụ thể; định kỳ họp đánh giá, kiểm điểm. Người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, phải dành nhiều hơn thời gian và công sức cho việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc kiểm tra, giám sát phải được làm thường xuyên.

Những cán bộ có vấn đề cần phải được kiểm điểm, nhắc nhở, xử lý, phân công lại công tác. Phát huy thật tốt vai trò của nhân dân tham gia công việc này, một công việc quyết định sự sống còn của Đảng. Tôi tin, một tinh thần mới, khí thế mới trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã sắp bắt đầu. Tôi kỳ vọng vào thành công của việc triển khai thực hiện Nghị quyết, vì nó đúng, trúng lòng dân, ý Đảng.

- Xin cảm ơn ông!

Thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: "Tinh thần mới, khí thế mới sắp bắt đầu" ảnh 2
Khi có vi phạm, phải kiên quyết làm đến nơi đến chốn

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: "Trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn khá phổ biến, có biểu hiện chủ quan, làm lướt, chưa gắn kiểm điểm với đánh giá chất lượng tổ chức Đảng, đảng viên. Trên một số vấn đề, qua kiểm điểm từ Trung ương đến cơ sở vẫn chưa làm rõ được thực chất, mức độ nghiêm trọng của tình hình, chưa chỉ ra được địa chỉ cụ thể về trách nhiệm của tập thể, cá nhân như tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống; việc chạy chức chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy quy hoạch, luân chuyển, chạy khen thưởng, chạy tội chưa được chỉ đạo làm đến nơi, đến chốn”.

Chính vì vậy, hệ quả của nguyên nhân này đã làm cho tình hình ngày càng phức tạp thêm. 

Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ đã nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhận thức rõ những nguy cơ đang tồn tại làm suy yếu đất nước là một bước chuyển mới của lãnh đạo, đảng viên trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Từ đó đưa ra những giải pháp góp phần xây dựng đội ngũ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thực sự tiên phong, gương mẫu, có năng lực và động cơ đúng đắn, luôn đặt lợi ích của quốc gia, tập thể lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, toàn Đảng phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, lời nói đi đôi với việc làm, đặc biệt là cán bộ Trung ương, cán bộ chủ trì, người đứng đầu các cấp phải làm thực sự làm tấm gương cho quần chúng noi theo.

Khi có vụ việc tiêu cực xảy ra, đề nghị các cơ quan Trung ương chỉ đạo các cơ quan thi hành pháp luật, các cơ quan chức năng thực hiện thận trọng nhưng phải kiên quyết, làm đến nơi, đến chốn, không “đánh trống bỏ dùi”, xử lý nghiêm minh. Có như vậy mới khôi phục lại niềm tin của toàn Đảng, toàn dân, để Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đáp ứng lòng mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Bà Trần Bạch Tuyết (Phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội)