Thực hiện đúng Nghị quyết 128/CP, doanh nghiệp sẽ phục hồi trong từ 1-6 tháng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trong tháng 10/2021, tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động tăng gấp đôi hồi tháng 8-2021 sau khi cả nước thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, nhưng chi phí chống dịch và thiếu lao động vẫn là thách thức lớn.
Doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch

Doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch

Thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất trở lại

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa công bố kết quả khảo sát nhanh trực tuyến khó khăn về lao động của doanh nghiệp và khó khăn của người lao động với lần lượt 3.440 ý kiến trả lời và 8.835 ý kiến trả lời.

Báo cáo cho biết, sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ được áp dụng trên toàn quốc, trong số 3.440 doanh nghiệp phản hồi thì tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động chiếm 39%, cao hơn gấp 2 lần so với tỷ lệ này trong báo cáo tháng 8-2021.

Bên cạnh đó, mặc dù tình hình chung còn nhiều khó khăn nhưng 43% lãnh đạo các doanh nghiệp ở diện “đang hoạt động” cho biết vẫn “lạc quan để chèo lái doanh nghiệp”.

Tuy vậy, do mức độ ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch lần 4 tại Việt Nam tới hoạt động của doanh nghiệp là rất lớn, đồng thời do tình hình các chuỗi cung ứng trên thế giới cũng vẫn đang đứt gãy, chưa phục hồi hoàn toàn nên doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Cụ thể, 30% số doanh nghiệp trả lời cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động nói chung và đặc biệt các lao động có trình độ chuyên môn. Hơn 45% doanh nghiệp cho là phải đưa ra mức thu nhập cao hơn so với trước dịch để thu hút lao động trở lại.

Bên cạnh khó khăn về thiếu lao động, chi phí cho lao động tăng, và khó khăn cố hữu như vấn đề về vốn lưu động, các doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn mới như: giá nguyên liệu đầu vào tăng(56% doanh nghiệp trả lời khảo sát), cầu thị trường yếu chưa đảm bảo kinh doanh có lãi (43%), chi phí xét nghiệm cho lao độnglà áp lực rất lớn là cấu thành lớn trong chi phí của doanh nghiệp (41%).

Đáng chú ý, về chi phí này, 31% doanh nghiệp đang hoạt động cho biết, chi phí phòng chống dịch chiếm từ 10% - 20% doanh thu, 16% doanh nghiệp có chi phí này chiếm khoảng từ 20%-40% doanh thu.

Đánh giá về triển vọng phục hồi, 22% doanh nghiệp ở diện“đang hoạt động” cho biết đã phục hồi như trước dịch, 45% doanh nghiệp cho biết nếu các địa phương thực hiện đúng Nghị quyết 128 thì doanh nghiệp sẽ phục hồi trong khoảng thời gian từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Cần tháo gỡ khó khăn cho người lao động

Đối với người lao động, trong tổng số 8.835 người lao động trả lời khảo sát online, tỷ lệ số người trả lời hiện đang có việc là 47%, tăng gần 10 điểm phần trăm so với tỉ lệ người có việc ở khảo sát tháng 8.

Tuy vậy, 59,3% người lao động tham gia khảo sát cho biết họ không có nguồn tiết kiệm để hỗ trợ cuộc sống trong bối cảnh dịch, phải dựa vào vay nợ hoặc trông chờ sự hỗ trợ từ gia đình/xã hội; 41% không tìm được việc; 59% mong muốn được ký hợp đồng lao động nếu có việc mới; 54% muốn đề nghị doanh nghiệp phải có cam kết đóng BHXH, BHTN.

Căn cứ vào thực tế này, Ban IV kiến nghị cần tạo lập môi trường làm việc an toàn và năng lực y tế trong doanh nghiệp để duy trì liên tục sản xuất kinh doanh, chẳng hạn như việc để doanh nghiệp kí hợp đồng với các đơn vị y tế đủ năng lực để xử trí các vấn đề phòng, chống dịch nếu không tự thiết lập được bộ phận chuyên môn y tế tại đơn vị; hướng dẫn riêng về quy trình xử lý F0 tại doanh nghiệp...

Đối với người lao động và việc làm, Ban IV kiến nghị Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, các bộ, ngành, địa phương xem xét cải thiện các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến thời gian, chế độ làm việc của người lao động trong bối cảnh dịch, nhất là quy định về giờ làm thêm của người lao động; nghiên cứu, xây dựng các quy định pháp lý mới (như các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động) với hình thức làm việc mới như làm việc trực tuyến, làm việc tại nhà;

Xem xét điều chỉnh giảm mức đóng BHXH đi kèm với việc phát triển các quỹ BH hưu trí tự nguyện linh hoạt hơn...

Bên cạnh đó, Ban IV cũng kiến nghị Chính phủ thiết kế các gói hỗ trợ đủ sâu, đủ rộng, có tính toán tới đặc thù của từng ngành và triển khai ngay trong đầu năm 2022 nhằm tạo đà cho doanh nghiệp có sức phục hồi và bứt phá, tận dụng được cơ hội mang lại từ Nghị quyết 128.