Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) mới: Bệnh viện và người dân đều kêu vướng

ANTĐ - Chất lượng cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu hạn chế và quy trình chuyển viện phức tạp khiến người dân chưa thực sự mặn mà với BHYT tự nguyện. Trong khi đó, thủ tục thanh quyết toán BHYT còn phức tạp. Nhiều vấn đề tồn tại khác khiến cả bệnh viện và bệnh nhân lúng túng, thiệt thòi…
Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) mới:  Bệnh viện và người dân  đều kêu vướng ảnh 1

Vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT mới

Có BHYT vẫn phải bỏ tiền túi

Trong khoảng 1 tháng vừa qua, Ban Văn hóa xã hội – HĐND TP Hà Nội đã giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách BHYT năm 2015 tại 3 quận/ huyện và 2 bệnh viện của thành phố, qua đó phát hiện không ít vướng mắc từ phía các cơ sở cũng như phản ánh chưa hài lòng của người bệnh khi thực hiện chính sách này. Đáng chú ý, nhiều người bệnh có thẻ BHYT vẫn phải bỏ tiền túi để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế nằm trong danh mục được BHYT thanh toán vì lý do hết… thuốc, vật tư nên bệnh viện yêu cầu bệnh nhân phải tự ra ngoài mua. 

Ông Phạm Xuân Tài, thành viên Đoàn giám sát cho biết, theo quy định, khám cấp cứu dù vượt tuyến, trái tuyến vẫn được thanh toán đầy đủ nhưng vì xác định thế nào là “cấp cứu” hoàn toàn phụ thuộc vào bác sĩ và bộ phận giám định BHYT nên không ít trường hợp bệnh nhân buộc phải chấp nhận điều trị dịch vụ, nộp tiền toàn bộ.

Thậm chí, có trường hợp như ở Bệnh viện huyện Gia Lâm, bác sĩ đã xác nhận bệnh nhân thuộc diện “cấp cứu” nhưng sau đó, cơ quan giám định BHYT lại xác định trường hợp này chưa đến mức “cấp cứu” nên không thanh quyết toán. Chưa kể thủ tục hành chính trong thực hiện thanh quyết toán BHYT còn phiền hà, bác sĩ lập hồ sơ bệnh án nhiều khi không đúng quy định mới của pháp luật về BHYT dẫn đến người bệnh không được thanh toán hoặc bệnh viện phải sang cơ quan bảo hiểm… giải trình.

Bức xúc không kém là tình trạng nhiều người bệnh khi thực hiện các dịch vụ thủ thuật, phẫu thuật, kỹ thuật y tế không được BHYT thanh toán chỉ vì một lý do “hành chính”. TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội dẫn chứng, một số dịch vụ phẫu thuật không đúng tên dịch vụ thanh toán trong Nghị quyết 13 của HĐND TP và Quyết định 30 của UBND TP nên bệnh viện rất khó khăn khi áp giá thanh toán BHYT, muốn thanh toán được thì buộc phải liên hệ với giám định viên BHYT để thống nhất. Hệ quả, cả bệnh nhân và cán bộ y tế phải “dài cổ” chờ vì hiện không có giám định viên thường trực tại bệnh viện. “Nhiều bệnh nhân rất bức xúc khi cứ phải chờ thanh toán ra viện do chưa được áp giá thanh toán phẫu thuật” - đại diện Bệnh viện Ung bướu Hà Nội nói.

Vừa gỡ vướng vừa nâng chất lượng

Bên cạnh những vướng mắc nói trên, tình trạng nhiều người bệnh chấp nhận chịu thiệt thòi về quyền lợi BHYT của mình để tự ý vượt tuyến cũng khá phổ biến. Bởi cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là trạm y tế đa phần có chất lượng rất hạn chế trong khi thủ tục chuyển tuyến lại phiền hà. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT tự nguyện trên địa bàn Hà Nội hiện rất khó khăn. Chẳng hạn, tại quận Nam Từ Liêm, tỷ lệ tham gia BHYT tự nguyện và hộ gia đình hiện mới chỉ đạt 11%. Tại quận Hoàn Kiếm, đại diện BHXH quận thừa nhận, việc yêu cầu người bệnh phải khám chữa bệnh ban đầu từ trạm y tế phường, sau đó chuyển qua Trung tâm y tế quận rồi mới được chuyển đến bệnh viện là không thuận lợi cho người dân.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội cho biết, để tháo gỡ khó khăn, BHXH TP đã đa dạng hóa hình thức đại lý thu (là UBND xã, hội đoàn thể, bưu điện). Dù vậy, do hướng dẫn giải quyết vướng mắc của các bộ, ngành chưa kịp thời, chưa cụ thể dẫn đến phản ứng từ phía người tham gia, ảnh hưởng đến lượng người tham gia. Tương tự, việc lập danh sách để vận động đối tượng tham gia BHYT tự nguyện còn khó khăn. Trong khối doanh nghiệp, việc kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT cũng rất vướng mắc. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên lý giải thêm, hiện danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế có đến trên 17.000 kỹ thuật nhưng cơ quan có thẩm quyền mới chỉ phê duyệt giá dịch vụ y tế của hơn 3.000 kỹ thuật, do đó không tránh khỏi những vướng mắc trong việc thanh quyết toán BHYT. 

Trước thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng Ban Văn hóa xã hội – HĐND TP Hà Nội, Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh, để có thể nhanh chóng tiến tới lộ trình BHYT toàn dân, thời gian tới, Hà Nội sẽ phải tiến hành song song 2 việc. Đó là vừa tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT, vừa phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ người bệnh BHYT, đặc biệt là tại cơ sở khám chữa bệnh ban đầu để tăng niềm tin của người dân.