Thúc đẩy quan hệ truyền thống, đoàn kết, gắn bó Việt Nam - Campuchia - Lào

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Campuchia - Lào vừa diễn ra tại Hà Nội giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã thành công tốt đẹp. Kết quả cuộc gặp đang tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ truyền thống, đoàn kết hữu nghị, gắn bó giữa ba Đảng, ba nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen tại cuộc gặp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen tại cuộc gặp

Mối quan hệ hiếm có

Hiếm có mối quan hệ hợp tác nào lại đặc biệt như quan hệ giữa ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào. Đây là mối quan hệ vừa có bề dày truyền thống, hữu nghị, vừa liên tục được tăng cường, đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững hơn, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.

Với vị thế địa chính trị quan trọng, là điểm giao thoa, cầu nối của lục địa châu Á, Việt Nam - Campuchia - Lào có mối quan hệ khá đặc biệt. Trải qua bao thăng trầm của thời gian nhưng tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống đó vẫn luôn bền chặt. Trong quá khứ, ba nước đã từng kề vai, sát cánh bên nhau chiến đấu chống kẻ thù chung, cùng hướng đến mục tiêu độc lập dân tộc. Còn hiện nay, trong bối cảnh khu vực và thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó luôn tạo động lực để ba nước vượt qua mọi khó khăn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trên nền tảng mối quan hệ tốt đẹp đó, hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng… được tăng cường và liên tục phát triển. Trong những năm qua, Việt Nam, Campuchia, Lào tích cực triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, song vẫn dành ưu tiên cao cho quan hệ hợp tác toàn diện giữa ba nước. Ba nước thường xuyên có các cuộc gặp gỡ ở cấp cao, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, thúc đẩy hội nhập…

Trong khuôn khổ ASEAN, ba nước đã tham gia những cơ chế, giải pháp hữu hiệu, có khả năng ngăn ngừa xung đột, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Từ đó, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế mỗi nước, củng cố độc lập chủ quyền quốc gia và thúc đẩy liên kết khu vực trên các lĩnh vực. Cùng với các nước ASEAN, ba nước đã thực hiện hiệu quả các thỏa thuận, như: Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á- Tuyên bố về sự hòa hợp ASEAN- Tuyên bố về Biển Đông; Diễn đàn khu vực - ARF; Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân…

Không chỉ thúc đẩy quan hệ hợp tác chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng… quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia cũng ngày càng được tăng cường. Lào và Campuchia hiện là hai thị trường đầu tư ra nước ngoài hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam, với hàng tỷ USD đã được đầu tư, mang lại lợi ích cho kinh tế - xã hội cho cả Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ba nước cũng đã thiết lập được cơ chế “Tam giác phát triển”. Đây là khu vực ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia với tổng diện tích tự nhiên 144.300km2, chiếm 19,3% diện tích tự nhiên của 3 nước; dân số trên 7 triệu người, chiếm khoảng 6,1% dân số của 3 nước; bao gồm 13 tỉnh là Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kratié ở miền Đông Campuchia, Attapu, Salavan, Xekong và Champasak ở miền Nam Lào, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước ở Việt Nam. Việc hình thành tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam giúp tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

Trên phương diện đa phương, hợp tác Việt Nam - Campuchia - Lào trong Tiểu vùng Mê Kông, Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), trong khuôn khổ các tổ chức ASEAN và ASEM… cũng ngày càng được tăng cường, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.

Tăng cường hợp tác vì lợi ích nhân dân ba nước và phát triển của khu vực

Tiềm năng của mối quan hệ Việt Nam - Campuchia - Lào còn rất lớn. Trong cuộc gặp cấp cao vừa diễn ra tại Hà Nội, ba nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của quan hệ truyền thống, đoàn kết hữu nghị, gắn bó giữa ba Đảng, ba nước, đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực trên cơ sở phát huy hiệu quả các cơ chế hiện nay và tiếp tục trao đổi, hợp tác trên các lĩnh vực trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân ba nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Trước kết, cơ sở để phát triển mối quan hệ Việt Nam - Campuchia - Lào là tình hữu nghị truyền thống quý báu. Với Việt Nam và Lào là truyền thống hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong kính yêu gây dựng, vun đắp và được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước bảo vệ và phát triển trong nhiều thập kỷ qua. Với Việt Nam và Campuchia là mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước, vì sự phát triển phồn vinh của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở trong khu vực và trên thế giới. Đây là tài sản vô giá của ba dân tộc, là động lực để ba nước luôn sát cánh cùng nhau trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đi vào các lĩnh vực cụ thể, hàng loạt các kế hoạch hợp tác đang được ba nước tích cực phối hợp thực hiện. Đó là đẩy mạnh triển khai Kế hoạch kết nối ba nền kinh tế Campuchia - Lào - Việt Nam đến năm 2030, trong đó chú trọng hợp tác, tranh thủ nguồn lực từ các đối tác phát triển để phát triển các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Vientiane, Vientiane - Vũng Áng và TP.HCM - Phnom Penh; thúc đẩy xây dựng chợ biên giới và các trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa giữa ba nước. Đó là việc tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác; đẩy mạnh hợp tác, giao lưu giữa 13 địa phương giáp biên trong khuôn khổ “Tam giác phát triển”. Đi liền với đó là triển khai hiệu quả các thỏa thuận về quản lý biên giới, tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh biên giới chung, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia…

Trên các diễn đàn tiểu vùng, khu vực và quốc tế, Việt Nam - Campuchia - Lào cần phối hợp đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, phối hợp thúc đẩy hợp tác tiểu vùng trong ASEAN, cũng như gắn kết hợp tác Mê Kông với các chiến lược, kế hoạch hợp tác của ASEAN…

Ba nước cũng rất cần hợp tác, hỗ trợ nhau để đối phó với thách thức y tế toàn cầu và khu vực là đại dịch Covid-19. Đó là yêu cầu tiếp tục tạo điều kiện thông quan thuận lợi cho người và hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới cũng như các hoạt động hợp tác đầu tư; phối hợp thúc đẩy khả năng tiếp cận vaccine của các nước đang phát triển; triển khai hiệu quả các sáng kiến liên quan được thông qua trong khuôn khổ ASEAN 2020, trong đó có Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN và Hành lang đi lại ASEAN.