Thúc đẩy để "bánh xe minh bạch" chạy nhanh hơn

ANTĐ - Nhiệm kỳ Chính phủ mới đã vận hành với nhiều động thái chính sách mạnh mẽ và quyết liệt. Niềm tin về một nền kinh tế khởi sắc được gửi gắm không chỉ ở những phát ngôn “độc và lạ” mà còn kỳ vọng vào các chiến lược “thoát hiểm” cho nền kinh tế một cách căn cơ, vì lợi ích của gần 90 triệu người dân Việt Nam.

Nhân dịp xuân về, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành bày tỏ một số quan điểm về cách điều hành chính sách của bộ máy Chính phủ mới.

Ông Bùi Kiến Thành: Tôi nhìn thấy “bánh xe” minh bạch đã chuyển, và cần được thúc để chạy nhanh hơn.

Có ý kiến cho rằng một “luồng gió mới” đang thổi vào nền kinh tế Việt Nam kể từ khi Chính phủ mới bắt đầu nhiệm kỳ, ông có bình luận gì?

Đội ngũ lãnh đạo mới được trẻ hóa khá tốt. Chính phủ mới thể hiện lòng quyết tâm tạo chuyển biến cho đất nước. Từ luồng gió mới của nhân sự trong Chính phủ có thể cảm nhận sẽ có một luồng gió mới thổi vào nền kinh tế. Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có những lời nói thể hiện quyết tâm mạnh mẽ.

Tôi còn nhớ, trong cuộc họp với các chuyên gia kinh tế ngày 20/8/2011, cùng với thái độ cầu thị, sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Thủ tướng cũng đã có một số phát ngôn rất quyết liệt.

Đó là, quyết tâm tái cơ cấu đầu tư công, xử lý những tập đoàn kinh tế yếu kém theo hướng chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh chính, nhanh chóng thoái vốn và cổ phần hóa các công ty con. Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc thay đổi thể chế phân cấp phân quyền, xem xét lại tổ chức thể chế của nhà nước.

Bộ máy lãnh đạo của Chính phủ mới cũng đã nhận thức rõ vấn đề quan trọng của nền kinh tế hiện nay là các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn vì lãi suất cao, từ đó, các giải pháp chính sách đã bắt đầu được thực thi.

Quan điểm chú trọng đến doanh nghiệp là hoàn toàn đúng đắn, bởi lẽ, doanh nghiệp gặp khó thì đất nước cũng gặp khó. Mặc dù hiệu quả của các chính sách này vẫn cần được xem xét và đánh giá, tuy nhiên, tinh thần quyết tâm của Chính phủ tạo niềm tin về một vận hội mới của nền kinh tế đất nước.

Trong đội ngũ lãnh đạo mới, xuất hiện một số chính khách “sao” với những phát ngôn “bạo” hơn so với trước đây. Theo ông, liệu có quá lạc quan khi đặt niềm tin vào một thế hệ chính khách dám nói dám làm?

Có thể nói, trong đội ngũ lãnh đạo mới đã xuất hiện một số phát ngôn khá mạnh mẽ, thẳng thắn hơn so với trước đây.

Anh Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã có một số tuyên bố sắc sảo, đáng ghi nhận, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra vẫn là “Liệu có dám làm?”. Làm chính khách khác với nghệ sĩ, mỗi một phát ngôn sẽ bị soi xét kỹ hơn, mỗi lời tuyên bố phải tính đến khả năng thực thi, phải nói được làm được mới tạo được sức nặng cho những lời nói sau đó.

Khác với anh Thăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ thể hiện những quan điểm rõ ràng về các vấn đề liên quan đến tài chính. Trong đó, tôi thích nhất khi anh ấy nói rằng “nếu Petrolimex không làm được thì sẽ để người khác làm” trong cuộc họp về điều hành giá xăng dầu gần đây nhất. Anh Huệ thể hiện là một người quyết liệt, dám nói, dám làm, có kiến thức và hiểu rõ về chuyên môn.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là phải tạo cơ hội để chữ “dám” của hai bộ trưởng này được chín muồi. Bên cạnh đó, làm chính khách không chỉ đòi hỏi khả năng dám làm mà còn phải biết cách tiến thoái phù hợp.

Một tư lệnh ngành khác là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Thống đốc đã có một số động thái chính sách tích cực mang lại hiệu quả nhất định. Rõ ràng, anh Bình có cách tư duy khá mới, những chính sách ban đầu đã được thực thi khá tốt nhưng có lẽ vẫn chưa đạt được mong muốn, chưa kéo được lãi suất xuống mức thấp phù hợp để doanh nghiệp hoạt động. Theo tôi, anh Bình vẫn chưa thật sự nắm vững hết các vấn đề của ngân hàng trung ương. Trong tập thể lãnh đạo, tôi chưa thấy anh Bình là một đại tướng xông pha chiến trận về vấn đề tiền tệ. Mong là anh Bình sẽ quyết liệt và kiên trì trên mặt trận tiền tệ, rút kinh nghiệm từ trận trước để đánh tiếp trận sau.

Trong khi đó, một số chính khách khác có phần lặng lẽ hơn, phải chăng họ e ngại không làm được nên không dám nói?

Trong khi các tư lệnh ngành khác đã bắt đầu thể hiện khả năng điều hành nền kinh tế, thì Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại có phần trầm tĩnh hơn.

Đây là một vị thế then chốt của nền kinh tế. Vì nắm trong tay Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nên thủ lĩnh của ngành - anh Vinh - cũng có những kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Có lẽ, anh ấy đang đo lường các rào cản để tìm cách vượt qua được khó khăn.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam vừa qua, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã đưa ra những phân tích, đánh giá khá sát với tình hình hiện nay, thể hiện lập trường rõ ràng và quyết liệt. Cũng tại diễn đàn này, các đại diện Chính phủ đã thể hiện tinh thần tiến bộ hơn nhiều những kỳ trước về lập trường và tư duy.

Mỗi chính khách một vẻ, nhưng điều dễ nhận ra rất là tinh thần quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo mới và tôi tin là họ đang tạo được niềm tin về một vận hội mới của đất nước.

Rào cản của các công cuộc cải cách kinh tế thường xuất phát từ mâu thuẫn lợi ích nhóm, sự thiếu minh bạch cũng một phần do ngại đụng chạm đến mâu thuẫn này. Theo ông, khó khăn này sẽ tiếp tục là trở lực của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế?

Quả thật lợi ích nhóm là vấn đề khó giải quyết. Tuy nhiên, lợi ích nhóm cũng từ lợi ích quốc gia mà ra. Quốc gia phải hưởng lợi thì từng nhóm và các cá nhân mới có lợi.

Chuyện thiếu minh bạch dẫn đến tham nhũng cũng là một nguyên nhân làm đất nước tụt lùi. Vấn đề này đã được đặt ra từ mười mấy năm nay nhưng mới dừng ở chữ “nói” còn hành động cụ thể thì chưa được bao nhiêu.

Bây giờ không còn là lúc để nói nữa mà phải bắt tay vào làm. Cải thiện tính minh bạch cũng phải cần lộ trình và chiến lược cụ thể. Điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay của Chính phủ. Cần có sự trao đổi thường xuyên và cởi mở với các chuyên gia trong và ngoài nước với tinh thần cầu thị.

Tôi nhìn thấy “bánh xe” minh bạch đã chuyển, và cần được thúc để chạy nhanh hơn.

Một khó khăn nữa của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế là thiếu kinh nghiệm, ông có tin là đội ngũ lãnh đạo mới có đủ khả năng chèo lái con tàu kinh tế Việt Nam vượt qua các thách thức hiện tại không?

Chính phủ mới chưa hoàn toàn đủ kinh nghiệm vì những biến đổi của đất nước và nền kinh tế nói riêng là rất nhanh trước các tác động từ bên ngoài. Nhưng những gì chưa biết thì hoàn toàn có thể học hỏi.

Điều quan trọng là Chính phủ cần có ban cố vấn tốt. Nguồn nhân lực trong nước hoàn toàn không hiếm, nguồn nhân lực từ bên ngoài cũng không phải quá khó, quan trọng là phải biết cách tìm người và dùng người. Thực tế, chúng ta cũng đang có một bộ máy tương đối tốt.

Nhiệm kỳ trước của Chính phủ đã để lại một số ấn tượng không tốt, “Vinashin” là một cái tên mà nhiều người không muốn nhắc đến. Theo ông, hết nhiệm kỳ này, người ta sẽ nhắc đến điều gì?

Tôi phải nhắc lại là đội ngũ nhân sự của nhiệm kỳ Chính phủ này là khá tốt với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ nhiều phía.

Một trong những cái “hỏng” của nhiệm kỳ trước là “ung nhọt” Vinashin, và nhiệm kỳ này cần giải quyết được để lấy lại niềm tin với người dân trong nước và uy tín trong mắt bạn bè quốc tế.

Khó nói trước câu chuyện của mấy năm nữa sau khi nhiệm kỳ này kết thúc, nhưng tôi vẫn đặt niềm tin vào Chính phủ mới.