Thức ăn cho lợn thành thực phẩm chức năng

ANTĐ - Vừa qua, người tiêu dùng Trung Quốc lại bị một phen choáng váng khi chính quyền tỉnh Giang Tô phát hiện thành phần thức ăn chăn nuôi lợn trong một số thực phẩm chức năng. Đây là vụ bê bối dược phẩm giả mới nhất tại đất nước được mệnh danh là công xưởng thế giới này.

Thức ăn cho lợn thành thực phẩm chức năng ảnh 1Công an thành phố Tây An kiểm đếm hơn 20 loại thực phẩm chức năng giả 

Thức ăn chăn nuôi lợn cho thêm thành phần thuốc, đóng vào bao bì đẹp và chỉ trong nháy mắt trở thành thực phẩm chức năng (TPCN) giúp hạ đường huyết, giảm huyết áp. Giá thành thực tế mỗi hộp TPCN này chỉ 30 NDT, tuy nhiên giá bán đến tay người tiêu dùng đắt hơn 10 lần – 398 NDT. Trong vụ việc này, công an thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô bắt giữ 28 đối tượng liên quan. Chúng khai nhận, từ năm 2008, chúng đã sản xuất loại TPCN này và tiêu thụ trên 8 tỉnh, số tiền phi pháp thu được hơn 1 tỷ NDT.

Đường dây sản xuất tiêu thụ TPCN giả này bị phát hiện khi hồi tháng 6-2014, một nhân viên thuộc cơ quan công an Vô Tích vô tình đọc được quảng cáo “trên trời” về TPCN Kim Kỷ Giao Nang và Ngọc Hoàng Hoàn.  Kết quả kiểm tra thành phần Kim Kỷ Giao Nang và Ngọc Hoàng Hoàn cho thấy, có chất phụ gia bị cấm như phenylurea, phenformin..., thành phần chính là thức ăn chăn nuôi lợn và một ít thuốc dạng bột điều trị bệnh huyết áp và tiểu đường, không có thành phần dược phẩm thiên nhiên như quảng cáo. Sau hơn 1 tháng lần theo dấu vết, tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, tổ điều tra đã triệt xóa 7 điểm sản xuất của 28 đối tượng. Lực lượng công an còn thu giữ 1.000 hộp TPCN chưa được bán và 20 máy sản xuất. 

Thực phẩm chức năng giả đang trở thành vấn đề nhức nhối tại Trung Quốc. Hồi tháng 10-2014, Công an thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây cũng phá được một ổ sản xuất và tiêu thụ TPCN giả. Đây được đánh giá là vụ án đặc biệt lớn, bởi ổ nhóm này có 6 điểm sản xuất, làm ra hơn 20 loại TPCN giả và đem đi tiêu thụ trên 100 thị xã, 29 tỉnh thành như Thượng Hải, Bắc Kinh… với mạng lưới tiêu thụ 300 đầu mối. 6 đối tượng cầm đầu đã bị bắt giữ. Trong những loại TPCN này có vô số thành phần hóa học độc hại và chất phụ gia bị cấm, gây hại cho sức khỏe người dùng, nghiêm trọng có thể dẫn tới tử vong. 

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), 75% lượng thuốc giả trên thế giới có xuất xứ Trung Quốc và Ấn Độ. Tháng 2-2014, hải quan Pháp phát hiện 2,4 triệu viên thuốc giả trong 2 container “trà” từ Trung Quốc tại cảng Le Havre gồm thuốc aspirin, thuốc trị tiêu chảy, thuốc điều trị rối loạn cương dương. Hải quan Pháp cho biết, một số loại thuốc này không có bất kỳ thành phần dược phẩm nào, một số khác thì thành phần dược phẩm không đạt chuẩn. 7 tháng sau, tháng 9-2014, lực lượng cảnh sát tại một số nước ở châu Âu cũng đã phá được một đường dây buôn lậu Viagra từ nơi sản xuất là Trung Quốc và Ấn Độ, bắt giữ 12 nghi phạm. Số lượng thuốc Viagra giả này có giá trị hơn 10 triệu euro.

Không chỉ “xuất khẩu” thuốc giả, thị trường nội địa Trung Quốc cũng tràn lan mặt hàng này. Ngày 25-12-2014, Tân Hoa xã đưa tin, cơ quan chức năng đã triệt phá một đường dây làm và bán thuốc giả xuyên 141 thành phố thuộc 29 tỉnh, thu giữ hơn 400.000 hộp thuốc có giá trị hơn 3 triệu NDT. Qua điều tra công an phát hiện một nhóm đối tượng ở tỉnh Hà Nam câu kết với một nhóm khác ở tỉnh Hắc Long Giang, chúng sản xuất 11 loại thuốc và lập một số công ty “ma” để rao bán dược phẩm giả trên các trang mạng internet hoặc mạng viễn thông. Hiện, lực lượng công an bắt giữ 7 nghi phạm và đang tiếp tục mở rộng điều tra.