Thua thiệt vì chiêu lừa bán nhà

ANTĐ - Số lượng người nhập cư vào TP.HCM ngày một tăng, nhu cầu về nhà ở, nhất là những căn nhà giá vài trăm triệu đồng luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Đây là kẽ hở để những “cò đất”, những kẻ lừa đảo, những kẻ đầu cơ lợi dụng bán cho người dân nhiều căn nhà giấy tờ không đảm bảo pháp lý, bị quy hoạch hoặc chờ xử lý do thiếu nợ…

Giải tỏa những khu nhà xây dựng trái phép là công việc rất khó khăn, vất vả của cơ quan chức năng

Chị Nguyễn Thị Thúy, quê Long An lên TP.HCM làm công nhân trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Với số tiền bán đất ở quê khoảng 500 triệu, chị muốn mua một căn nhà ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh để đi làm cho thuận tiện. Thông qua môi giới, chị được dẫn xem một căn nhà khoảng 45m2 ở ấp 4 giá 380 triệu đồng. Thấy rẻ chị chấp nhận mua với giấy viết tay vì chủ nhà yêu cầu “chờ”, khi nào đủ… 20 người mới tách sổ 1.000m2 theo quy định. Tuy nhiên ở chưa được 3 tháng, thanh tra trên huyện về kiểm tra phát hiện khu nhà chị Thúy ở cùng 7 hộ công nhân, là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi, không được phép xây dựng, buộc phải phá dỡ. Nhiều lần đòi lại tiền nhưng chủ đất không trả, chị Thúy đã viết đơn gửi UBND huyện Bình Chánh kêu cứu.

Bà Ngô Thị Hồng, ở quận Phú Nhuận được 2 người giới thiệu là Niệm và Nguyệt có nhà đất ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn muốn bán. Sau khi xem giấy tờ, bà Hồng đặt cọc số tiền 50 triệu đồng. Đến ngày làm hợp đồng công chứng, không thấy đôi vợ chồng Niệm - Nguyệt đến, bà Hồng đã tới cơ quan chức năng đề nghị xác minh. Cơ quan công an triệu tập ông Niệm, bà Nguyệt đến nhưng đây không phải là người đã bán nhà cho bà Hồng. Thực chất bà Nguyệt thế chấp nhà đất, giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trần Thị Minh (người đã giao dịch mua bán, nhận tiền đặt cọc của bà Hồng) và người này đã nhiều lần dùng “sổ đỏ” này để bán khu đất.

Một trường hợp khác cũng ở huyện Hóc Môn. Anh Trần Thanh Duy, ở quận Gò Vấp gặp Trần Thanh Hoài, ở ấp Đông để mua căn nhà 40m2  tổ 84, xã Thới Tam Thôn. Do căn nhà chưa được cấp sổ riêng nên 2 bên thỏa thuận viết giấy tay không qua công chứng. Song khi anh Duy sửa chữa nhà và chuẩn bị dọn về ở thì nhà bị bẻ khóa, bà Tươi chủ đất khẳng định với chính quyền không hề bán nhà đất cho ai… Sau khi cơ quan công an xác minh,  bản hợp đồng mua bán giữa bà Tươi và Hoài có xác nhận của chính quyền địa phương mà anh Duy đang giữ là… hợp đồng giả.

Bà Huỳnh Thị Năm, ở phường 8, quận Gò Vấp vay của người cháu 1 tỷ đồng để làm ăn. Tuy nhiên do khủng hoảng kinh tế, hàng không xuất khẩu được ra nước ngoài. Người cháu nhiều lần đòi nợ không được đã làm đơn đề nghị cơ quan thi hành án quận Gò Vấp can thiệp. Trong lúc này, bà Năm đăng thông tin bán nhà giá 4,7 tỷ đồng và ông Nguyễn Trí Dũng, ở quận Bình Thạnh đồng ý mua. Các thủ tục công chứng đã hoàn thành, ông Dũng giao hết tiền song khi làm các thủ tục chuyển sở hữu tại UBND quận, ông Dũng mới té ngửa vì căn nhà trên, Thi hành án quận Gò Vấp đang tiến hành đấu giá, việc mua bán của ông Dũng với bà Năm phải hủy bỏ, ông Dũng ở vào thế tiến thoái lưỡng nan, không đòi lại được tiền mà vào ở căn nhà thì không được…

Luật sư Nguyễn Thế Chương, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Các quy định hiện nay về trình tự thủ tục mua bán nhà còn khá rắc rối, nhiều quy định chồng chéo nhau, ví dụ quận thì cho phép mua bán nhà trong khu phức hợp - một dạng quy hoạch treo, quận thì cấm xây dựng nên rất nhiều người dân vì nhu cầu nhà ở chấp nhận mua bán nhà chỉ bằng giấy viết tay, tạo cơ hội cho nhiều kẻ phạm tội.

Với những hành vi gian dối, lừa đảo lấy tiền đặc cọc, hoặc nhà đất đang thế chấp, chờ thi hành án mà vẫn cố tình bán… luật sư Nguyễn Thái Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, ở đây vẫn có những khiếm khuyết từ các cơ quan quản lý, như không tiến hành thu hồi nợ theo đúng thời hạn, thẩm quyền quy định; không thi hành án hoặc tối thiểu không thu giữ các giấy tờ cần thiết liên quan đến nhà đất đang chờ xử lý, tạo cơ sở để đối tượng tẩu tán tài sản, làm giả hồ sơ, dùng giấy tờ bản chính đem cầm cố, thế chấp. Hành vi của các đối tượng giả danh là người chủ sở hữu để ký giấy bán nhà - nhận tiền có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của các cơ quan tổ chức, đủ yếu tố để cơ quan chức năng điều tra khởi tố theo quy định của pháp luật.

Rút kinh nghiệm từ những vụ việc mua bán nhà, khi hai bên giao dịch không chỉ đủ bản chính giấy tờ liên quan tài sản và nhân thân người chủ nhà, bên bán phải đảm bảo là chủ sở hữu nhà ở, người đại diện theo quy định của pháp luật, có năng lực hành vi đồng thời tuân thủ trình tự thủ tục mua bán nhà tại công chứng nhà nước hoặc chứng thực của cơ quan thẩm quyền và tuyệt đối không tham gia giao dịch khi tài sản chưa có giấy tờ rõ ràng. Có vậy người dân mới hạn chế được chiêu lừa của những kẻ cơ hội, tội phạm, tránh thiệt hại không đáng có trong quá trình mua bán nhà ở.