Thừa phát lại thực sự cần thiết cho xã hội

ANTĐ - Chiều 4-8, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại (CĐTPL) trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn - Trưởng Ban chỉ đạo thí điểm CĐTPL chủ trì hội nghị.

Ngày 21-10-2013, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại TP Hà Nội”. Trên cơ sở đó, UBND TP ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm CĐTPL trên địa bàn thành phố. Mặc dù thời gian thí điểm chưa dài, nhưng hoạt động của 8 Văn phòng TPL đã thu được kết quả khả quan: Đã thực hiện tống đạt trên 34.000 văn bản, trên 1.700 vi bằng đã lập và đăng ký tại Sở Tư pháp Hà Nội với tổng doanh thu trên 4,2 tỷ đồng, ký hợp đồng thi hành án 15 vụ việc, xác minh điều kiện thi hành án hoàn thành 34 vụ việc…

Nhận xét về hoạt động TPL trong thời gian qua, theo ông Phan Hồng Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, mặc dù các Văn phòng TPL còn một số tồn tại hạn chế, song hầu hết đã hoạt động ổn định, bước đầu thu được những kết quả khả quan. Do vậy, có thể khẳng định, mô hình TPL thực sự cần thiết cho xã hội, cho hoạt động tư pháp. Đặc biệt đối với người dân, việc thực hiện thí điểm CĐTPL đã tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của người dân trong quan hệ dân sự, tố tụng dân sự, tạo điều kiện để người dân có thêm lựa chọn khi yêu cầu thi hành án dân sự, tạo thêm công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Kết luận Hội nghị, ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, trong 17 tháng đã có 8 Văn phòng TPL được thành lập tại Hà Nội chứng tỏ TPL đã được người dân đón nhận. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện chế định TPL vì đây là chủ trương đúng, đã đi vào cuộc sống và bước đầu phát huy tác dụng. Song, để làm được điều này cần tạo mặt bằng pháp lý chung cho hoạt động TPL.