Thua ngay trên “sân nhà”

ANTĐ - Theo báo cáo khảo sát của một số công ty đa quốc gia, thị trường tiêu dùng Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất châu Á với con số 23%, vượt qua Ấn Độ là 18,8% và Trung Quốc 13%. Dân số đông, tỷ lệ người trẻ dưới 35 tuổi chiếm 61,7%, thu nhập ngày càng tăng là yếu tố biến ngành tiêu dùng trở thành “miếng bánh” đầy hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay đã có 29% số hộ gia đình có thu nhập trên 5.000 USD/năm, kéo theo nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng cao cấp. Sự có mặt ồ ạt của các công ty nước ngoài, có nghĩa là “sân chơi” của các doanh nghiệp trong nước chật chội hơn, cạnh tranh gay gắt hơn.

Bất chấp bất động sản đóng băng, ngân hàng nợ xấu, doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, một số nhà đầu tư quốc tế vẫn giữ được cái “đầu lạnh” và hành động tỉnh táo. Họ được gọi là những nhà đầu tư bay “ngược gió”, ngược xu hướng chung đầu tư vào Việt Nam. Có một làn sóng “săn đón” cổ phiếu của các công ty Việt Nam nổi tiếng trong lĩnh vực tiêu dùng. Đơn cử, sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở một số cổ phiếu của Vinamilk, Kinh Đô luôn ở mức kịch trần 49%. Từ năm 2011-2013, hãng Diageo sở hữu một số thương hiệu đồ uống nổi tiếng đã chi trên 90 triệu USD để mua cổ phiếu từ tất cả các cổ đông của Halico và sở hữu 45,5% công ty này.

Hãng Carlsberg bỏ ra 1.875 tỷ đồng để mua thêm 50% và sở hữu toàn bộ Công ty bia Huế. KKR và TPG đã đầu tư tổng cộng 300 triệu USD vào Masan Consumer. Các “ông lớn” trong ngành bia như Sabeco, Heineken, Carlsberg đã có kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc “thôn tính”, chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam. Ngay cả Amheuser-Busch, hãng sản xuất bia, nước giải khát lớn nhất thế giới cũng đang dòm ngó và dự kiến có mặt ở Việt Nam vào cuối năm 2014. H

ãng Nestle đã đưa nhà máy sản xuất cà phê hòa tan 238 triệu USD vào hoạt động tại Đồng Nai. Đấy là chưa kể hàng loạt các tên tuổi nổi tiếng đã và đang “tấn công” vào thị trường tiêu dùng như Starbucks, McDonald’s, San Miguel, Asahi, Sapporo, Lotte… Trước làn sóng đầu tư ào ạt nhắm vào thị trường tiêu dùng Việt Nam nhiều tiềm năng trong tương lai gần, các doanh nghiệp nội địa hầu như chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến không cân sức. Hai thành phố lớn nhất cả nước, Hà Nội và TP.HCM có thể coi là “thánh địa” của nhiều sản phẩm tiêu dùng cao cấp, trong đó có cả đồ ẩm thực. Tuy nhiên, phần lớn các nhãn hiệu cao cấp nước ngoài lại được gia công tại Trung Quốc, Malaysia, Singapore. Các đối tác cho biết, các nhà kinh doanh mang hàng hiệu vào Việt Nam không tìm nơi gia công tại chỗ vì chưa yên tâm. Trong khi đó, các nhà gia công Trung Quốc lập cả phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm, tự động tìm hiểu xu hướng thời trang, mẫu mã mới để chào hàng cho các thương hiệu lớn chứ không chỉ ngồi chờ đơn hàng. Cho dù nước ta đã có một số công ty khá mạnh trong lĩnh vực tiêu dùng, song có lẽ khả năng xuất hiện những gương mặt mới ngày càng khó vì sức mạnh vượt trội về tiền bạc và kinh nghiệm thương trường của các công ty đa quốc gia.

Thua ngay trên “sân nhà”, không chỉ là lời cảnh báo mà đã trở thành hiện thực của các doanh nghiệp, công ty nội địa trong lĩnh vực tiêu dùng. Trong bối cảnh hiện nay chỉ có một số ít ngân hàng và công ty tài chính cho vay với lãi suất cao không tưởng lên tới 72%/năm, thì rất khó có công ty, doanh nghiệp nào dám… bay ngược gió.