Thư viện nơi vỉa hè

ANTD.VN - Đã từng có thời, mỗi phố ở Hà Nội được cấu thành bởi: một hàng phở, một quán nước chè, một quầy hàng xén, một tiệm sửa điện và một hiệu sách nhỏ (những thứ cần thiết khác thì mua bán ở chợ).

Thư viện nơi vỉa hè ảnh 1Đến hiệu sách bây giờ vẫn là thói quen của nhiều người ở Hà Nội

Bởi vì với dân Hà Nội, ăn sáng là một cái thú, hàng phở như là một nghi thức, không thể đánh đồng với các hàng khác. 

Quán nước chè là nơi gặp gỡ giao lưu, trao đổi thông tin. Quầy hàng xén để mua cây kim cuộn chỉ, dăm chiếc cúc bấm, cái ngòi bút hay lọ mực, bởi khi ấy việc nữ công là thú của phụ nữ còn viết lách là chí của đàn ông. Đồ điện vừa hiếm vừa quý, nhưng lại rất hay hỏng (vì điện được cung cấp phập phù), nên các bác thợ điện như là thần thánh. Nhưng đáng giá nhất của phố, chính là những hiệu sách. 

Những hiệu sách, thường là nhỏ thôi, có treo cái biển kẻ nắn nót bằng sơn nâu trên nền xanh ve: “Hiệu sách” hoặc “Sách cũ”, ở cửa lại treo  thêm tấm bảng viết phấn: “Bán và Cho thuê”. Bên trong, những giá sách được đóng cao tới tận trần. Sách xếp từng chồng lút đầu người, chỉ chừa lại lối đi rất hẹp. Và ông chủ (thường là ông), cầm cái quạt nan phe phẩy ngồi ở cửa, đón khách với một thái độ không hờ hững, chẳng ân cần.

Sách ở tiệm đủ thể loại, đã được phân loại sẵn. Cách đây ngót 3 thập niên, thì được ưa chuộng số 1 là truyện chưởng và tiểu thuyết (ngày ấy, chữ tiểu thuyết được mặc định dành cho dòng văn học mà bây giờ người ta gọi là ngôn tình. Cô ấy tính cách tiểu thuyết lắm – ví dụ nói như thế, thì hiểu là cô ấy tính cách ủy mị, sách vở lắm). Thứ đến mới là các dòng sách trinh thám, khoa học viễn tưởng, văn học cổ điển và tôn giáo. Thường thì người ta thuê sách, giá rất rẻ thôi. Năm chục đồng  một cuốn sách dày, hai chục đồng một cuốn sách mỏng, cho  một ngày mượn về. Khi ấy, chén nước chè nóng có giá hai chục đồng, một cái kem giá năm chục.

Đến khi tôi vào tuổi thiếu niên, tức khoảng hơn 20 năm trước, thì vật giá đã thay đổi nhiều. Thuê 1 cuốn sách dày là Một nghìn đồng, còn truyện tranh là Năm trăm đồng. Nhưng đó vẫn là số tiền rất nhỏ, trẻ con cũng có thể chịu được. Tôi đã đọc gần như toàn bộ các danh tác võ hiệp của Kim Dung, Cổ Long… trong giai đoạn này. Làn sóng truyện tranh Nhật Bản, khởi đầu với bộ Đô-rê-mon kinh điển, tràn vào Việt Nam và thay đổi gần như hoàn toàn xu hướng đọc sách của trẻ em. Nhưng đó là một câu chuyện khác, không tiện đề cập dông dài trong khuôn khổ bài viết này. 

Lũ trẻ chúng tôi khi ấy tìm đến hiệu sách, trả tiền và đọc say mê những cuốn sách thiếu nhi. Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn; Trên sa mạc và trong rừng thẳm; Buratino và chiếc chìa khóa vàng; Dế mèn phiêu lưu ký (bản sách to, họa sỹ Ngô Mạnh Lân minh họa rất xuất sắc); Một mình giữa đại dương; Cô-xchia lùn… Hầu hết sách lúc đó do Liên Xô (cũ) in viện trợ cho Việt Nam, giấy cực tốt, in màu tuyệt đẹp, nhưng khá nặng. Cuối sách đều có ghi Nhà xuất bản Cầu Vồng - Mát-xcơ-va. Và lượng bản in ít nhất cũng 50.000 cuốn - một giấc mơ thực sự với những cuốn sách được xuất bản ngày nay.

Chìm trong mùi giấy cũ, mùi bụi thời gian, phảng phất mùi ẩm mốc, nhễ nhại mồ hôi trước chiếc quạt tai voi ì ạch, lũ trẻ chúng tôi đã tận hưởng biết bao buổi trưa hè bên thềm những hiệu sách. Nếu đọc tại chỗ, thì đã rẻ lại càng rất rẻ. Chỉ trả Một nghìn, hay Năm trăm đồng, chúng tôi có thể được đọc thoải mái không giới hạn số lượng đến khi nào chán thì về. Cho đến khi đủ tuổi để được làm thẻ thư viện, thì những hiệu sách ở phố chính là thư viện đầu tiên của bọn trẻ con. 

Những ông chủ hiệu sách thường hiền, mãi cho đến sau này với tôi đó vẫn là một điều mặc định. Họ sẵn sàng giới thiệu kỹ lưỡng về những dòng sách, trả lời những câu hỏi ngô nghê bất tận, và cười độ lượng với những đứa gãi đầu gãi tai khi muốn đọc sách mà thiếu tiền. 

Mỗi tháng đến kỳ lĩnh lương, mẹ tôi đều trích một khoản để mua sách. Những cuốn sách được bọc giấy pơ-luya cẩn thận, rồi lấy bút chì can lại tên sách ra ngoài. Cầm cuốn sách đã bọc lên, nghe tiếng giấy sột soạt, là đã sẵn một tâm thế trọng thị với tri thức rồi. Đấy cũng là thói quen của nhiều gia đình khác ở Hà Nội, những ngày xưa ấy. 

Bây giờ, hiệu sách cũ vẫn còn, dạt ra những phố nhỏ, phố mới ở rìa thành phố. Thỉnh thoảng tôi ghé vào, như một thói quen hơn là một nhu cầu. Để rồi bắt gặp những tựa sách quen thuộc, có khi vẫn còn nguyên lớp giấy bọc pơ-luya, mở ra vẫn còn hàng chữ đề ngày mua đã mấy chục năm, cùng một chữ ký, một bông hoa khô, hay một lọn tóc thanh xuân của ai kia. Như lại thấy mình đang ngồi đấy, bên bậc cửa, say mê đọc sách như thuở còn biết khao khát ước mơ.

Cầm cuốn sách đã bọc lên, nghe tiếng giấy sột soạt, là đã sẵn một tâm thế trọng thị với tri thức rồi. Đấy cũng là thói quen của nhiều gia đình khác ở Hà Nội, những ngày xưa ấy.