Thủ tướng yêu cầu Hà Nội quyết liệt đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho nhân dân

ANTD.VN -  Sáng 27-9, làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) 9 tháng đầu năm. Thủ tướng Chính phủ biểu dương các sáng kiến, cách làm hiệu quả của Thủ đô nhấn mạnh, Hà Nội cần quyết liệt, làm "đến nơi hơn đến chốn" công tác đảm bảo ATTP, làm gương cho cả nước, mang lại niềm tin cho người dân...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Cùng dự buổi  làm việc còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương. Về phía TP Hà Nội có đồng chí Ngô Thị Thanh hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP; đại diện các sở ngành TP.

Rõ trách nhiệm các cấp

Mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác quản lý, đảm bảo ATTP là rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Để làm tốt công tác này  cần quán triệt , làm rõ trách nhiệm cá nhân được giao nhiệm vụ.

“Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, các cấp các ngành phải chuyển động tích cực làm sao để công tác này đến tận mỗi cơ sở sản xuất, mỗi hộ gia đình”, Thủ tướng Chính phủ nói.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, TP đã thành lập lại Ban chỉ đạo ATTP các cấp do Chủ tịch UBND trực tiếp làm trưởng ban. Ngoài ra TP cũng đã  xây dựng “Quy định phân công trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn TP” để tránh chồng chéo và bỏ sót. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước kiện toàn lại bộ máy Ban chỉ đạo ATTP.

"Trước đây tôi phải làm việc với 3 Phó Chủ tịch, nay chỉ cần làm việc với Phó Chủ tịch phụ trách mảng nông nghiệp - Phó Ban thường trực. Mô hình này là phù hợp với quy định và thực tế. Nêu rõ trách nhiệm, đầu mối", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nói. 

Đánh giá cao Quy định của TP Hà Nội về phân công trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP với nguyên tắc quản lý theo chuỗi là quản lý toàn diện theo địa giới hành chính, Thứ trưởng Bộ NN&PTNTđề xuất Chính phủ nhân rộng mô hình này ra cả nước.

Đặc biệt, TP giao trách nhiệm với Chủ tịch UBND cấp quận một tuần phải đi kiểm tra thực tế một lần; Chủ tịch UBND phường là một tuần một lần; Phó Chủ tịch UBND phường (thường trực ban chỉ đạo) là hai lần một tuần.

“Việc phân công rõ trách nhiệm, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở là hết sức quan trọng, tôi rất hoan nghênh việc làm này của TP Hà Nội. Nếu lãnh đạo các cấp đều ra kiểm tra thực tế như quy định của TP tôi tin tưởng tình hình đảm bảo VSATTP ở Thủ đô sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực, rõ rệt trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá.

Không tăng biên chế, tiết kiệm đầu tư công

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết thêm, TP Hà Nội đã tập trung công tác tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh ý thức, trách nhiệm, đạo đức của người trực tiếp nuôi trồng, cung cấp thực phẩm. Bên cạnh đó là trách nhiệm của các cán bộ các cấp thực hiện công tác quản lý, đảm bảo ATTP. TP cũng tập trung, quản lý chặt chẽ, nguồn gốc, xuất xứ chất lượng thực phẩm theo chuỗi. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã thành lập 5 đoàn thanh tra chuyên ngành tại 5 quận, huyện, và 10 xã, phường. 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã xử lý 543 cơ sở vi phạm với số tiền phạt xấp xỉ 750 triệu đồng...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao hoạt động của lực lượng này nhất là khi Hà Nội đảm bảo không tăng thêm biên chế, đầu mối, mà vẫn đạt hiệu quả công việc. Phó Thủ tướng cũng đồng ý để Hà Nội nhân rộng mô hình thanh tra chuyên ngành ở 30 quận, huyện, thị xã.

Hoan nghênh Hà Nội đã xây dựng và duy trì 60 chuỗi cung cấp thực phầm sạch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý, TP Hà Nội xây dựng ban hành quy chuẩn chất lượng để thực phẩm rõ ràng để vào thị trường Hà Nội, trong đó chú trọng khâu đóng gói, bao bì...

Với kiến nghị của Bộ Y tế về việc xây dựng trung tâm kiểm nghiệm, xét nghiệp thực phẩm đạt chuẩn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung báo cáo Thủ tướng, Hà Nội đã ký kết hợp tác với các phòng thí nghiệm hiện đại của các cơ sở khoa học, đặc biệt phòng thí nghiệm của Vinmec cam kết xét nghiệm miễn phí cho TP.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị không xây thêm trung tâm để tiết kiệm đầu tư công. Đề xuất này được sự đồng tình cao của các thành viên đoàn công tác.

Đưa thực phẩm đường phố vào nền nếp

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ phấn khởi vì từ kết quả thị sát công tác quản lý, đảm bảo ATTP ở Hà Nội đã có những chuyển biến đáng mừng.

“Đây là những kết quả ban đầu nhưng rất quan trọng, thể hiện chuyển biến nhận thức và hành động. Thực tế, chính quyền cơ sở nhận thức tốt hơn rõ hơn, dẫn đến nhận thức và hành động của người dân, của cộng đồng để giữ thương hiệu, không sử dụng chất cấm”, Thủ tướng Chính phủ nói.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Hà Nội là địa phương đầu tiên kiện toàn ban chỉ đạo với Chủ tịch TP làm trưởng ban. Các hệ thống khác của TP đều vào cuộc quyết liệt. TP đã triển khai tuyên truyền vận động với nhiều hình thức; Quan tâm đến các cơ sở sản xuất, chế biến, cung cấp; bước đầu đã tổ chức, duy trì tốt liên kết chuỗi giá trị thực phẩm an toàn...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt đánh giá cao việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát của TP Hà Nội. Thủ tướng nhắc nhở: “Một chủ trương lớn mà không tổ chức giám sát tốt sẽ không thành công. Giáo dục, tuyên truyền tốt phải gắn với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.

Biểu dương những nỗ lực, sáng kiến của TP Hà Nội, nhưng theo Thủ tướng Chính phủ, người dân Thủ đô cũng như cả nước chưa hoàn toàn yên tâm với chất lượng thực phẩm hiện nay. Vẫn còn một số tồn tại chưa được xử lý triệt để như: thực phẩm chức năng chưa có quy chuẩn; chế tài xử phạt chưa rõ ràng, khó xử lý khi thực thi công vụ; cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn nhiều...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các cấp cần có nhận thức đúng đắn, có hành động trên bình diện rộng với những việc làm cụ thể. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Nội tiếp tục phân công, phân cấp rõ ràng để tiếp tục triển khai để rõ hiệu quả, trách nhiệm mỗi nhiệm vụ mỗi cá nhân, đầu mối nhất là cấp cơ sở. Hà Nội cũng cần chú ý kiểm soát an toàn các làng nghề truyền thống sản xuất bánh mứt, kẹo, miến, giò chả... Mở những đợt cao điểm kiểm tra, xử lý ở các chợ, siêu thị; đóng cửa siêu thị nếu vi phạm kéo dài.

Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thức ăn đường phố, phân cấp cho UBND phường; Phải đảm bảo ATTP từ các điểm tổ chức tiệc, tiệc cưới... đến tận các cơ sở sản xuất bánh mỳ; tiếp tục thông tin tốt hơn về an toàn, cảnh báo các thực phẩm không an toàn, an toàn để người dân biết...

“Thực ăn đường phố ở Hà Nội phải đi vào nền nếp, phải được công khai, sạch sẽ, để giới thiệu ẩm thực Việt Nam ra thế giới thông qua các du khách”, Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ giao TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng với các tỉnh lân cận. Thực phẩm vào Thủ đô phải được quản lý, kiểm tra đảm bảo chất lượng. TP cần tiếp tục xây dựng, pháp triển chuỗi cung cấp thực phẩm sạch.

“Như Văn Đức (Gia Lâm) là  vùng điển hình trồng rau sạch mà người dân địa phương tự hào với thương hiệu. Hà Nội phải có thêm hàng nghìn Văn Đức...”, Thủ tướng nói.

Cơ bản đồng tình với các kiến nghị của TP về các vấn đề như phí, lệ phí xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm; ban hành văn bản về hướng dẫn tổ chức bộ máy, biên chế về ATTP; tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn thực phẩm nhập lậu... Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ ngành liên quan triển khai ngay các phần việc liên quan...