Thủ tướng: Trong dập dịch, "không nói thiếu tiền, không nói thiếu nguồn lực, không nói thiếu thể chế"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Chỉ đạo 11 giải pháp cấp bách cần triển khai ngay để “tổng tấn công” đẩy lùi dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu phương châm “BA KHÔNG: Không nói thiếu tiền, không nói thiếu nguồn nhân lực, không nói thiếu thể chế…”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận cuộc họp (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận cuộc họp (Ảnh: VGP)

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 29-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, về tổng thể chúng ta đang kiểm soát được tình hình.

Tuy vậy, cục bộ có một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, diễn biến càng ngày càng phức tạp hơn, khó kiểm soát như: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM và một phần nào đó ở Hà Nội.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an, các địa phương có dịch, các đồng chí lãnh đạo “ngày đêm sớm tối”, cùng với các lực lượng chức năng và nhân dân vào cuộc đồng bộ đã góp phần cùng Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể, các lực lượng chức năng phòng, chống dịch có hiệu quả.

Về nhiệm vụ, mục tiêu sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu đầu tiên là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Cùng đó, phải kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát, dập tắt dịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm; tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội; kết thúc tốt đẹp năm học 2020-2021…

Để hoàn thành được các nhiệm vụ đó, Thủ tướng đề nghị phải nêu cao tinh thần là “chống dịch như chống giặc”.

Đặc biệt, trong lúc này, toàn hệ thống chính trị và toàn dân phải “tổng tiến công toàn lực, toàn diện, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, với quyết tâm cao hơn, với nỗ lực lớn hơn, với hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, tập trung cao hơn nữa nhưng phải có trọng tâm trọng điểm để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình nhanh hơn nữa”.

Thủ tướng yêu cầu huy động tổng lực cả về vật chất lẫn nhân lực, thể chế để tổng tấn công dịch Covid-19

Thủ tướng yêu cầu huy động tổng lực cả về vật chất lẫn nhân lực, thể chế để tổng tấn công dịch Covid-19

Thủ tướng cũng nêu rõ 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

Thứ nhất: cấp uỷ, chính quyền địa phương phải bám sát tình hình, nhanh chóng, kịp thời đưa ra quyết định, phương hướng, giải pháp cụ thể để thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.

Thứ hai: Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm với phương châm “BA KHÔNG: Không nói thiếu tiền, không nói thiếu nguồn nhân lực, không nói thiếu thể chế và phương tiện vật chất, vật tư y tế, sinh phẩm, thuốc men…”.

Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành quyết định những vấn đề trong thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Thứ ba: thực hiện chiến lược vaccine, phải tiếp cận mọi khả năng để mua vaccine, không vì khó khăn mà chậm trễ. Thủ tướng yêu cầu dùng mọi biện pháp từ ngoại giao, doanh nghiệp, Chính phủ, người dân, các biện pháp khác… để tiếp cận mua vaccine. Đồng thời, phải đẩy nhanh nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước.

Bên cạnh đó, tiến hành mua công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài, Thủ tướng giao cho các cơ quan liên quan “bằng mọi biện pháp phải có công nghệ”.

Thứ tư, tuyên truyền tổ chức tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên một cách hợp lý, hiệu quả cho các lực lượng và các địa bàn trọng điểm như: Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hà Nội, TPHCM.

Thứ năm, Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch COVID nói chung, trong đó có đợt dịch bùng phát lần này.

Thứ sáu, phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh và rà soát các đối tượng cư trú trái phép.

Thứ bảy, huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phòng, chống dịch, đặc biệt là mua vaccine.

Nhân đây Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi toàn thể nhân dân, mọi người dân, doanh nghiệp, mọi cơ quan, tổ chức, địa phương trong điều kiện có thể của mình đóng góp trí tuệ, ý kiến, phương pháp, tiền của, phát huy các mối quan hệ để mua vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine,...

Thứ tám, Ban quản lý các KCN, chủ doanh nghiệp phải tập trung bảo vệ sức khỏe cho công nhân, cho người dân trong lúc này. Tinh thần là hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Thứ chín, Bộ Y tế phải huy động các nguồn lực từ các trường y, thay nhau hỗ trợ lực lượng y tế cơ sở.

Thứ mười, trong công tác tuyên truyền phải đảm bảo toàn diện, hiệu quả.

Thứ mười một, phải tập trung bảo đảm sản xuất kinh doanh, nhất là trong các KCN và các lĩnh vực dịch vụ.

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, ngân sách nhà nước đã bố trí 13.400 tỷ đồng cho việc mua vaccine phòng COVID-19.

Trong tuần tới Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn về quy chế hoạt động Quỹ vaccine, trước mắt có thể huy động được ngay 3.000 tỷ đồng gồm có 1.000 tỷ đồng đã được ủng hộ qua Bộ Y tế, 1.000 tỷ đồng qua Mặt trận Tổ quốc và các doanh nghiệp nhà nước cũng sẵn sàng đóng góp 1.000 tỷ đồng.

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, Bộ đã có văn bản chỉ đạo việc ôn tập cho học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2021; ban hành hướng dẫn cụ thể đối với các học sinh là F0, F1, F2. Bộ GD&ĐT vẫn quyết định giữ nguyên ngày thi tốt nghiệp diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7.