Thủ tướng Singapore đả thông: Không cần vào đại học, vẫn có việc làm tốt

ANTĐ - Trong khi nhiều phụ huynh ở Singapore quyết tâm tạo mọi điều kiện để con cái theo đuổi con đường học vấn thì ông Lý Hiển Long - Thủ tướng của Quốc đảo Sư tử đang nỗ lực đả thông tư tưởng người dân, thuyết phục họ rằng không cần vào đại học cũng có công việc tốt.
Thủ tướng Singapore đả thông: Không cần vào đại học, vẫn có việc làm tốt ảnh 1

Thủ tướng Lý Hiển Long tươi cười bên khuôn viên một trường dạy nghề ở Singapore

Thay đổi quan niệm truyền thống

Carmen Kok – một bà mẹ 47 tuổi người Singapore rất hối tiếc vì đã không vào được đại học. Bà quyết tâm để con gái không mắc sai lầm này, kể cả khi phải “gò lưng” trang trải chi phí du học đắt đỏ cho con. “Không thể vươn lên ở Singapore mà không có bằng cấp” – bà Kok nói và cho biết dự định gửi con gái vào một trường đại học ở Hàn Quốc dù học phí cao gấp 3 lần thu nhập từ nghề làm tóc của bà. “Con gái tôi có thể tìm được một công việc nếu nó không học đại học, nhưng nó sẽ thu nhập cao hơn nếu tốt nghiệp đại học”.

Thủ tướng Singapore đả thông: Không cần vào đại học, vẫn có việc làm tốt ảnh 2

Nhiều sinh viên ra trường không có kinh nghiệm thực tế nên khó tìm được công việc phù hợp

Quan niệm không thể thành đạt nếu không học đại học đó khiến Thủ tướng Lý Hiển Long đau đầu, bởi ông đang nỗ lực thuyết phục người dân rằng không cần vào đại học cũng có thể có được một công việc ổn định. Theo ông Lý Hiển Long, sau khi siết chặt quy định về nhập cư cũng như chịu ảnh hưởng suy giảm kinh tế, Singapore cần giảm nhu cầu đối với cử nhân đại học và cần nhiều thợ lành nghề hơn để làm việc tại các nhà máy đóng tàu, xí nghiệp sản xuất hay phục vụ trong khách sạn. 

Trân trọng những người lành nghề

Trong một chương trình truyền hình vào tháng 8 năm ngoái, Thủ tướng Lý Hiển Long đã tuyên dương 2 nhân viên làm việc tại Tập đoàn Keppel (chuyên xây dựng giàn khoan dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới) có cấp bậc cao trong công việc mà không cần bằng cấp. “Họ không có bằng đại học, nhưng họ làm việc chăm chỉ và cố gắng cải thiện bản thân” - ông Lý Hiển Long cho biết và nhấn mạnh: “Chỉ cần bạn làm việc chăm chỉ, bạn sẽ có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng ở Singapore”. Ủng hộ quan điểm này, Straits Times - một tờ báo có tiếng ở Singapore đã đăng bài viết về những gương mặt Singapore thành công sau khi bỏ qua hoặc trì hoãn việc vào đại học. 

Tuy nhiên, Bloomberg nhận định sẽ khó khăn khi thuyết phục người dân Singapore về lợi ích của việc học nghề sau nhiều thập kỷ quốc đảo này ca ngợi tầm quan trọng của giáo dục. Số liệu thống kê gần nhất của Ngân hàng Thế giới từ năm 2010 cho thấy, 6 trong số 10 người Singapore từ 25-29 tuổi đã hoàn thành chương trình đại học. Đây là tỷ lệ cao nhất trên thế giới.

Theo Kenneth Chen, 26 tuổi, người được cha mẹ đầu tư hơn 170.000 SGD để du học tại Australia sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học ở Singapore, “Chính phủ không nên khuyên người dân không học đại học, trừ khi họ hứa rằng cơ hội việc làm của người học nghề tương đương như sinh viên tốt nghiệp đại học”. Nhưng rõ ràng điều này không xảy ra trong tương lai gần, anh Chen cho biết.

“Hãm phanh” hệ thống giáo dục loại A

Thủ tướng Lý Hiển Long - người đã tốt nghiệp loại ưu tại Đại học Cambridge của Anh - là nhà lãnh đạo người châu Á gần đây nhất đang nỗ lực “hãm phanh” hệ thống giáo dục loại A, bởi số lượng các trường đại học mọc lên ngày càng nhiều và vô số sinh viên tốt nghiệp không tìm được công việc phù hợp. Một vài năm trước, Hàn Quốc cũng tuyên bố có thể đóng cửa một vài học viện nghiên cứu giáo dục trong bối cảnh cựu Tổng thống nước này ông Lee Myung Bak nêu ra thực trạng “tuyển sinh đại học thiếu thận trọng”. 

Thủ tướng Lý Hiển Long đã khởi xướng một chiến dịch thuyết phục giới trẻ tham gia lực lượng lao động trong một hệ thống mô phỏng hệ thống đào tạo nghề kép của Đức (cho phép học viên học ở trung tâm dạy nghề và thực hành kỹ năng tại doanh nghiệp). Đối với chương trình “Kiếm tiền và học tập” của Singapore, những học viên rời trường dạy nghề sẽ được đào tạo công việc thực tế, trong khi họ vẫn học tiếp để có bằng cấp chuyên sâu hơn. Mỗi người Singapore tham gia chương trình này sẽ nhận tiền hỗ trợ 5.000 đôla Singapore (SGD).

 Chương trình thí điểm vào năm sau sẽ đưa một số học viên tốt nghiệp trường nghề tham gia các lĩnh vực làm việc về hàng không vũ trụ, kho vận và công nghệ thông tin. 

“Sự thành công của chiến dịch này rất quan trọng cho tương lai của Singapore vì nó tái định hình cho thị trường lao động nước này” – ông Vishnu Varathan, một nhà kinh tế làm việc cho Ngân hàng Mizuho nhận xét. Theo thống kê của Bộ Nhân lực Singapore, một kỹ sư điện ra trường sau 4 năm học đại học có mức lương khởi điểm là 3.135 SGD vào năm 2013, so với mức 1.750 SGD cho người tốt nghiệp trường nghề. 

Theo ông Pasi Sahlberg, một giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Harvard (Mỹ), xu hướng quốc tế rõ ràng của các nước phát triển là đưa học nghề trở thành lựa chọn đúng đắn cho giới trẻ. Tuy nhiên, ông Sahlberg cũng chỉ ra còn nhiều người cho rằng học nghề là lựa chọn thứ hai, nhất là ở châu Á – nơi các bậc phụ huynh tin rằng “học vấn cao là chìa khóa duy nhất để thành công và giàu có”.