- 110.000 tỷ thoái vốn Sabeco sẽ được sử dụng như thế nào
- Bán thành công cổ phần tại Sabeco, Bộ Công Thương thu về gần 110.000 tỷ đồng
- Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Chưa đạt 50% kế hoạch
Thoái vốn tại Sabeco mang lại bài học thành công
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2017, sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng mạnh với chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 9,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của năm 2016 và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 7,1 - 8%).
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng cao (tăng 14,5%, cùng kỳ năm 2016 chỉ tăng 11,2%, năm 2015 tăng 10,5%), là động lực chính cho tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp trong năm 2017.
Về xuất nhập khẩu và phát triển thị trường ngoài nước, năm 2017 là một năm đặc biệt thành công. Lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 200 tỷ USD, với mức tăng trưởng trên 21%, là mức tăng rất ấn tượng trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu vẫn đang ở mức thấp, nhiều thị trường quay trở lại xu hướng bảo hộ trong nước, hạn chế nhập khẩu.
Nhập khẩu được kiểm soát tốt, qua đó đã tạo thặng dư thương mại ở mức 2,7 tỷ USD. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần bảo đảm cho các cân đối vĩ mô khác của nền kinh tế.
Công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập đã được thực hiện có hiệu quả hơn nhiều năm trước. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng có thành tích đáng ghi nhận trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cổ phần hóa doanh nghiệp, xử lý 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ...
Biểu dương kết quả ngành Công Thương đạt được trong năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bộ Công Thương có vấp nhưng chưa ngã, và đứng lên được để hoàn thành các mục tiêu của năm, nâng cao uy tín của ngành.
Đáng chú ý, với vụ việc thoái vốn của Tổng công ty Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Thủ tướng cho rằng: "Sabeco là thương vụ bán vốn nổi tiếng nhất toàn cầu những tháng cuối năm 2017 và là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, chống tham ô tham nhũng quan liêu, không nghe tư vấn một chiều".
Thủ tướng yêu cầu mọi lĩnh vực của ngành công thương đều phải thực hiện tái cơ cấu lại bộ máy với thái độ dũng cảm, không sợ va chạm, hiệu quả. "Toàn ngành cần sớm đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn, niêm yết cổ phần trên sàn chứng khoán, công khai, minh bạch"- Thủ tướng nhắc nhở.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị ngành Công Thương phải khắc phục các khó khăn hiện tại như: tình trạng hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nên giá trị xuất khẩu chưa như mong đợi, hoạt động xây dựng thương hiệu cho hàng hóa chưa được đẩy mạnh và có hiệu quả; Thương mại điện tử cần phát triển mạnh hơn nữa...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị toàn ngành Công Thương cần nỗ lực đạt được mục tiêu cao hơn mục tiêu đề ra ngay từ quý I năm 2018.