Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại

ANTD.VN - Sáng nay, 20-10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2016 và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tại Quốc hội

Theo báo cáo, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế-xã hội của nước ta những tháng đầu năm đạt những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định. Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng tăng trưởng 5,93%, cả năm ước đạt 6,3-6,5%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,14%, cả năm ước tăng khoảng 4%. Nợ xấu tiếp tục được xử lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống.

Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 70,8% dự toán; ước cả năm tăng 2,4%; bội chi giữ bằng mức Quốc hội thông qua (theo giá trị tuyệt đối). Huy động vốn cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt 32,5% GDP (kế hoạch là 31,5%).

Công tác xúc tiến đầu tư được triển khai hiệu quả hơn. Trong 9 tháng, có trên 81.000 doanh nghiệp thành lập mới và trên 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tái cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả bước đầu. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Đặc biệt, Chính phủ đã hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều vụ án tham nhũng lớn, xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Tập trung chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ khiếu kiện phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Cùng đó, công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ quyền quốc gia, biển đảo được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Đến nay, đã có 64 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Chính phủ đã hoàn tất các thủ tục, trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Bên cạnh đó, báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày cũng thẳng thắn chỉ ra, đất nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%). Dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%).

 Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; trong 9 tháng có khoảng 45.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và trên 8.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác, trong đó tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ so với GDP có thể cao hơn dự kiến.

Thu ngân sách khó khăn, 9 tháng đạt thấp hơn cùng kỳ (70,8% so với 74,9%). Triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp; nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí...

Ngoài ra, tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm. Công tác quản lý cán bộ còn nhiều bất cập, chưa kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, có trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Đời sống người dân còn khó khăn, nhất là vùng bị thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố môi trường.

Đặc biệt, thiên tai, biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn. Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi, chất lượng môi trường bị xuống cấp, chậm được cải thiện. Công tác nắm tình hình, phát hiện, xử lý vi phạm về môi trường chưa kịp thời. Đánh giá tác động môi trường đối với nhiều dự án đầu tư còn hình thức; kiểm tra, giám sát việc thực thi còn yếu…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các ĐBQH bên hành lang Quốc hội

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, với quyết tâm, nỗ lực phấn đấu trong những tháng còn lại, Chính phủ dự báo năm 2016 có 11/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu về tăng trưởng GDP và xuất khẩu xấp xỉ đạt. Dù vậy, “trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, kết quả đạt được trên đây thể hiện nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân” – báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh.

Cũng trong phần trình bày báo cáo kinh tế xã hội trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, những ngày vừa qua, lũ lụt nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại nặng nề; cả nước đang chung tay hỗ trợ để đồng bào miền Trung sớm ổn định đời sống và sản xuất.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ quyết liệt hành động, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và thực hiện thành công kết hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017.

Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kết hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao những kết quả đã đạt được.

Tuy nhiên, bày tỏ lo ngại trước tình trạng thu ngân sách nhà nước đạt thấp, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị đánh giá rõ nguyên nhân số thu trung ương đạt thấp bởi số thu địa phương hầu hết vượt dự toán. Có ý kiến đề nghị đánh giá rõ về tác động của sự cố ô nhiễm môi trường đến thu ngân sách nhà nước đối với các tỉnh miền Trung để có biện pháp điều hành ngân sách phù hợp.

Cũng có ý kiến lo ngại tình trạng bội chi ngân sách cao, nợ công tăng nhanh trong giai đoạn trước là một trong các rủi ro lớn cho nền kinh tế, nợ công có khả năng vượt trần là 65% GDP trong năm 2016. Theo một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế, việc tăng giải ngân nguồn vốn vay ODA sẽ làm dự toán chi ngân sách nhà nước bị phá vỡ, thâm hụt ngân sách tăng so với dự toán.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ từ nay đến cuối năm 2016 cần tính toán thời gian, liều lượng điều chỉnh phù hợp đối với giá dịch vụ y tế, giáo dục, theo dõi sát giá xăng dầu thị trường thế giới để kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng phù hợp (kế hoạch là 18%)... tránh gây áp lực lên chỉ số CPI.