Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hà Nội phải hành động quyết liệt, chấm dứt trì trệ

ANTĐ - Phát biểu tại hội nghị “Hà Nội 2016: Hợp tác và phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao sự năng động của Thủ đô Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hà Nội phải hành động quyết liệt, chấm dứt trì trệ ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, chính quyền Hà Nội đã năng động, quyết liệt cải cách

Xóa bỏ xin - cho, tháo gỡ rào cản

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội hội tụ rất nhiều tiềm năng để phát triển, xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, để phát huy được các tiềm năng, thế mạnh nói trên, nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội phát triển, đặc biệt các cơ hội mới từ một loạt các cam kết hội nhập quốc tế mới ký kết và có hiệu lực, nhất là trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hà Nội cần gỡ bỏ được các rào cản làm trì trệ hay thậm chí trệch hướng sự phát triển của Thủ đô như: môi trường đầu tư kém thông thoáng, đặc biệt là các rào cản lớn đối với việc gia nhập thị trường và khả năng tiếp cận đất đai; Bộ máy hành chính nặng nề, kém năng động, kém hiệu quả.

"Trước sức ép của hội nhập, sức ép của tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách trong nước, với vai trò của Thủ đô, với vai trò một trong hai đầu tầu kinh tế của cả nước, lãnh đạo thành phố phải quyết liệt hành động, chấm dứt sự trì trệ trong nhận thức và cách hành xử của cán bộ, công chức, viên chức thành phố"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện nay, chúng ta đang xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động trên tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng chính phủ điện tử; Chính phủ liêm chính, hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho trong tất cả các lĩnh vực; Chính phủ tập trung nhiều hơn vào xây dựng  thế chế; quản lý điều hành bằng cơ chế, chính sách, công cụ kinh tế, hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào các hoạt động kinh tế; đề cao trách nhiệm cá nhân. Vấn đề gì  thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm. Khu vực doanh nghiệp nhà nước phải ngày càng nhỏ đi và hiệu quả hơn. Hà Nội, cũng như các tỉnh thành khác cần quán triệt tinh thần này. 

Hà Nội đang đi đúng hướng

Thủ tướng đánh giá, mấy tháng qua, sự chuyển động của Hà nội là đúng hướng, là rất tích cực. Vấn đề quan trọng đối với quản trị Nhà nước cũng như quản trị thành phố là phải xây dựng năng lực hệ thống, Hà Nội đang làm theo hướng này với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, bài bản nhưng điềm tĩnh, sâu sắc. Đó là điều rất đáng mừng.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức hội nghị lớn về doanh nghiệp với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo thành phố, các Bộ, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế sau Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước ngày 29-4-2016 tại thành phố Hồ Chí Minh, với 5 nội dung rất ý nghĩa: Gặp mặt doanh nghiệp - Giải quyết kiến nghị -  Kêu gọi đầu tư - Ký kết hợp tác - Vinh danh doanh nghiệp.

"Chúng ta cũng thấy được sự quyết tâm cao độ của chính quyền Hà Nội: Coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Tôi tin tưởng rằng, đây là sự khởi đầu tốt đẹp cho một giai đoạn mới, Hà Nội sẽ có sự chuyển biến nhanh chóng, đúng hướng xứng đáng với niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp"- Thủ tướng nói.

Để Hà Nội phát triển mạnh mẽ, đúng hướng hơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước. Muốn như vậy, chính quyền thành phố phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội thay vì phải thành lập ở nước ngoài để thoát khỏi gánh nặng thủ tục hành chính của chúng ta.

Trong xây dựng chính quyền điện tử, Hà Nội cần lưu ý áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào phục vụ doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính cũng như xây dựng hệ thống quản lý thông tin để lãnh đạo thành phố có thể theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các cam kết với doanh nghiệp, người dân.

Cần tạo được động lực để từng đơn vị, từng cán bộ phụ vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Chẳng hạn, thí điểm áp dụng chương trình chấm điểm của người dân và doanh nghiệp ở một số cơ quan, quận, huyện trên địa bàn thành phố; Có cơ chế ghi nhận, khuyến khích kịp thời, thích đáng với các cơ quan, cán bộ làm tốt, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. 

"Tôi xin nhắc lại, xây dựng năng lực hệ thống, tạo được động lực làm việc chính là nền tảng quan trọng để thực hiện sự đổi mới, cải cách kinh tế- xã hội và kết quả mới bền vững, lâu dài"- Người đứng đầu Chính phủ lưu ý.

Trong thời gian tới, khi Việt Nam gia nhập TPP, các doanh nghiệp Hà Nội sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức rất lớn. Hà Nội là điểm đến quốc tế quan trọng, với nhiều dự án FDI công nghệ hiện đại đang và sẽ đầu tư trên địa bàn. Vì vậy, cần nâng cấp nền kinh tế, nâng cấp các doanh nghiệp trong nước thông qua sự kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Hà Nội cần phát triển trong mối liên kết vùng, để mở rộng không gian phát triển, cộng hướng những lợi thế sẵn có. Thủ tướng gợi ý: "Nếu Hà Nội cần một cơ chế đặc biệt để hình thành liên kết vùng và giữ vai trò trung tâm trong mối liên kết đó thì có thể làm đề án đề xuất với Chính phủ".

Hà Nội là một trong những thành phố đẹp nhất của cả nước. Nhưng vẻ đẹp đó đang dần dần mất đi trong quá trình đô thị hóa ồ ạt. Nếu không có giải pháp thỏa đáng, Hà Nội sẽ trở thành một thành phố tắc nghẽn, ô nhiễm, như một số thành phố trong khu vực Đông Nam Á. Hà Nội cần “bẻ ghi” để thành phố không trượt đi trên con đường này. Để làm được việc này thì cần rất thực hiện rất nhiều việc. Đầu tiên là đổi mới việc làm quy hoạch. Quy hoạch của một thành phố không phải là một bản vẽ kỹ thuật, mà phải là sự tổng hòa của các yếu tố kinh tế, môi trường, văn hóa, để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Do vậy, Hà Nội cần đi đầu trong đổi mới việc làm quy hoạch có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia và các ngành liên quan.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước phải ngày càng nhỏ đi và hiệu quả hơn. Hà Nội cần phải đi đầu thực hiện chủ trương, đường lối này. Thời gian tới sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, đấu giá công khai tài sản công. Khi phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh, áp dụng phương pháp quản trị doanh nghiệp như khu vực tư nhân, thì doanh nghiệp Nhà nước cũng có thể đạt được hiệu quả như doanh nghiệp tư nhân.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khác với các quốc gia khác, sự thành công của doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam còn chưa vững chắc do tính hệ thống còn yếu, cơ cấu tổ chức, quản trị chưa chặt chẽ, mà thành công chủ yếu dựa vào sự xuất sắc của cá nhân lãnh đạo kết hợp với cơ chế ưu đãi của Nhà nước. "Chính phủ khuyến khích Hà Nội thí điểm áp dụng các sáng kiến, các thông lệ tốt của quốc tế trong cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản lý tài sản công để nâng cao tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch và gia tăng hiệu quả sử dụng vốn và tài sản công, tránh thất thoát, lãng phí, huy động được nguồn lực to lớn này cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Trao quyết định dự án đầu tư cho 23 dự án đầu tư lớn

Tại hội nghị, UBND TP Hà Nội trao quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư cho 23 dự án. Tổng vốn đầu tư khoảng 36,9 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 1,7 tỷ USD. Trong đó, có 7 dự án FDI- tổng vốn đầu tư trên 15 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 700 triệu USD)và 16 dự án vốn đầu tư trong nước- tổng vốn đầu tư gần 22 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD). Các dự án này thuộc các lĩnh vực: viễn thông, hạ tầng đô thị cấp nước, công viên, khu vui chơi giải trí, nhà ở, y tế và dịch vụ thương mại.