Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Osaka, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20

ANTD.VN - Khoảng 14h50 chiều 27-6, giờ địa phương (tức 12h50, giờ Việt Nam), chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Kansai, Osaka, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản.

Việt Nam là khách mời đặc biệt

Theo dự kiến, hôm nay 28-6, Thủ tướng sẽ dự các phiên họp của Hội nghị G20, dự sự kiện bên lề Hội nghị; tiếp xúc song phương một số nhà lãnh đạo dự Hội nghị; gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản.

Đây là lần thứ 4 trong vòng 10 năm Việt Nam dự Thượng đỉnh G20. Việt Nam là 1 trong 8 nước khách mời đặc biệt của nước chủ nhà Nhật Bản dự hội nghị của nhóm 20 nền kinh tế lớn, chiếm 2/3 dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu. Điều này thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với uy tín và vị thế của Việt Nam, một đối tác tin cậy, có trách nhiệm đối với hoà bình, an ninh và phát triển trong khu vực Hội nghị G20 dự kiến có 4 phiên thảo luận: Phiên 1- Về kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư. Phiên 2- Về đổi mới sáng tạo và kinh tế số. Phiên 3- Về phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế. Phiên 4- Về môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu.

Thủ tướng dự kiến có bài phát biểu tại Hội nghị, chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng hợp tác và nỗ lực của Việt Nam trong xử lý các vấn đề toàn cầu, vì hoà bình, thịnh vượng, cùng phát triển.

Nhân dịp này, Thủ tướng sẽ có chuyến thăm làm việc song phương với Nhật Bản, đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác cung cấp ODA lớn nhất. Chuyến thăm này nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước, tăng cường sự phối hợp của hai nước trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Nhân chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 từ ngày 27-6 đến 1-7 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí Nhật Bản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, là đối tác có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang đóng góp tích cực và thực chất vào nội dung nghị sự của G20, nhất là trong việc củng cố hệ thống thương mại đa phương, liên kết kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo, kinh tế số, thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường biển, ngăn ngừa rác thải nhựa, tăng cường vai trò phụ nữ… Đây đều là những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển bền vững và bao trùm ở tất cả các quốc gia. 

Đánh giá cao vai trò của Nhật Bản ở Biển Đông

Theo Thủ tướng, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, thực chất và toàn diện, đáp ứng nguyện vọng và đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. 

Hợp tác trong các lĩnh vực an ninh-quốc phòng giữa hai bên đạt được nhiều tiến triển thực chất. Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh thông qua viện trợ cho công tác rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, hợp tác đào tạo quốc phòng, hỗ trợ trong huấn luyện cứu hộ cứu nạn, tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. 

Về kinh tế, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam về đầu tư, thương mại, du lịch, là nước cung cấp vốn vay ODA lớn nhất cho Việt Nam. Các công trình thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA và các dự án đầu tư của Nhật Bản hiện diện trên hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam và trong nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần quan trọng vào việc thực hiện ba đột phá chiến lược của Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững.

Là nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đang phát huy vai trò để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ASEAN và khu vực sông Mekong với Nhật Bản, bao gồm cả khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), cũng như cùng Nhật Bản phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Về tình hình Biển Đông hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản thúc đẩy hợp tác trên biển bằng nhiều hình thức, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 nhằm bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải hàng không, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống tội phạm trên biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển….

Việt Nam đánh giá cao vai trò và sự đóng góp của Nhật Bản vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tự do, an toàn hàng hải hàng không ở Biển Đông thời gian qua; đồng thời tin tưởng rằng, là một cường quốc ở khu vực và trên thế giới, đồng thời có lợi ích đối với việc lưu chuyển hàng hóa qua khu vực Biển Đông, Nhật Bản tiếp tục thể hiện vai trò trong việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đóng góp tích cực hơn nữa cho hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.