Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chi phí logistics ở Việt Nam còn quá cao, là rào cản lớn

ANTD.VN -Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, gánh nặng chi phí, nhất là chi phí logistics ở nước ta vẫn còn quá cao, đang là một rào cản lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP)

Sáng nay, 16-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam, là 1 trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. Đồng thời, đây là một dịch vụ kinh doanh hấp dẫn được nhiều công ty trong và ngoài nước triển khai.

Theo Thủ tướng, vấn đề logistics đã được đề cập trong văn kiện Đại hội Đảng và các bộ, ngành đã triển khai. Tuy nhiên, cách tổ chức thực hiện, nhất là các biện pháp tổng hợp để xử lý vấn đề này còn hạn chế. Chi phí logistics ở nước ta còn cao, thậm chí rất cao. Gánh nặng chi phí, nhất là chi phí logistics, đang là một rào cản lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải giảm chi phí logistics xuống hơn nữa. Trong đó, chi phí vận tải chiếm khoảng 60%, cộng cả lưu kho, bốc dỡ là khoảng 91%, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là khâu quan trọng nên chúng ta cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn.

Nhấn mạnh lại vai trò quan trọng của ngành dịch vụ logistics trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics.

Mục tiêu là đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Thủ tướng cho rằng, cần quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống để tạo chuyển biến tình hình dịch vụ logistics. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp để làm tốt dịch vụ này.

Mặt khác, cần có chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics hết sức cụ thể ở từng ngành, nhất là ngành giao thông vận tải và công thương với 5 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics...

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp logistics cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá phí các dịch vụ.