Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thách thức rất lớn trong vấn đề Biển Đông

ANTĐ -Sáng nay, 18-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp của các ĐBQH tại hội trường Quốc hội. Rất nhiều ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề tranh chấp, diễn biến trên biển Đông, về quan điểm của Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp trả lời về vấn đề này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Tóm lược lại nội dung các câu hỏi của một số ĐBQH về vấn đề tranh chấp chủ quyền, diễn biến phức tạp trên Biển Đông, về quan hệ Việt Nam- Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã nhiều lần trình bày với Quốc hội về vấn đề này.
Trong đó nhấn mạnh quan điểm, lập trường, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là nhất quán, cơ bản phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cũng còn không ít khó khăn, không ít thách thức. Chúng ta cần tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện sáng tạo, hiệu quả các lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với các vấn đề này.

Về giải pháp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh 3 điểm lớn, quan trọng trọng quan hệ với Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Đó là: chúng ta chân thành, làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị, bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất lĩnh vực.

Thứ 2, chúng ta kiên quyết đấu tranh, bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước cũng như Hiến chương của Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, các cam kết  khu vực, tuyên bố ASEAN – Trung Quốc về ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông…

Thức ba, đồng thời với phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải tăng cường quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu công tác đối ngoại, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. “Phải tăng cường khối đại đoàn kết, sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc; phải tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của chúng ta. Gìn giữ hòa bình, ổn định để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho xây dựng, pháy triển, bảo vệ tổ quốc Việt Nam của chúng ta” - Thủ tướng nhấn mạnh thêm.

Trước đó, áo cáo, giải trình một số vấn đề mà nhiều ĐBQH và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong tháng 10 và tháng 11-2015, tình hình kinh tế xã hội đất nước tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng tăng 0,6 – 0,7%, ước cả năm tăng dưới 2%; thu ngân sách nhà nước ước đạt 94,1% dự toán, tăng 8,3%; chi ngân sách đạt 88,4% dự toán, tăng 7,4% so với cùng kỳ; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Tuy còn không ít khó khăn hạn chế nhưng với những kết quả nêu trên, có cơ sở để chúng ta đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội.

Đi vào các vấn đề cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời câu hỏi chất vấn của các ĐB Trương Trọng Nghĩa, Trần Ngọc Vinh, Võ Kim Cự về vấn đề lao động trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đây là vấn đề được đồng bào cử tri cả nước, nhất là người lao động rất quan tâm. Thủ tướng nhấn mạnh, với cách tiếp cận người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế nên trước hết họ phải được hưởng thành quả của quá trình này.

Các ĐBQH rất quan tâm đến phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ tại hội trường

Theo đó, Hiệp định TPP cũng như quy định của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đều khẳng định tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại và theo các tiêu chuẩn của ILO. Đồng thời phải hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quyền đại diện, bảo vệ cho các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại doanh nghiệp nơi họ làm việc.

Hiệp định TPP cũng có các quy định bảo vệ tổ chức của người lao động để không bị người sử dụng lao động can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích của người lao động. Đặc biệt, “theo cam kết trong Hiệp định TPP, chỉ riêng đối với Việt Nam là được có thời gian chuẩn bị 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực (tức là khoảng 7 năm kể từ khi ký Hiệp định). Thời gian chuẩn bị này là để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động” – Thủ tướng nêu rõ.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng trả lời câu hỏi chất vấn của nhiều ĐBQH về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự Phát triển bền vững; về giảm nghèo bền vững…