Thủ tướng Mahathir Mohamad (2): Gia nhập chính trường, vực dậy con rồng châu Á

ANTD.VN - Thủ tướng Mahathir Mohamad đã thực hiện nhiều chính sách cải cách kinh tế, hiện đại hóa đất nước, giúp Malaysia trở thành một trong những con hổ châu Á thời bấy giờ.

Gia nhập chính trường: xuất thân từ tầng lớp bình dân

Năm 1959, sau khi giành được độc lập, Malaysia tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên. Mahathir khi đó làm Tổng thư ký Tổ chức Dân tộc Malaysia thống nhất (UMNO) của bang Kedah - một chính đảng theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng không được UMNO chỉ định ra tranh cử vì chỉ trích Thủ tướng Tunku Abdul Rahman cho phép quân đội Anh quốc ở lại Malaysia. Còn Thủ tướng Tunku phản đối yêu cầu của Mahathir về trình độ học vấn tối thiểu của các ứng viên UMNO. Vào năm 1964, Mahathir ra tranh cử và trúng cử Hạ viện, ông gia nhập chính trường nhưng không tham gia chính quyền.

Thủ tướng Tunku Abdul Rahman (Nguồn: Getty)

Việc nghị sỹ Mahathir công khai phê phán đảng Hành động Nhân dân "thân người Hoa", chỉ trích mạnh mẽ Chính phủ Malaysia không bảo vệ lợi ích của người bản địa, kêu gọi Thủ tướng Tunku từ chức... khiến ông bị mất ghế Hạ viện và bị khai trừ khỏi UMNO vào năm 1969.

Năm 1970, Mahathir xuất bản tự truyện "Thế tiến thoái lưỡng lan của người Malaysia", phân tích lịch sử chính trị Malaysia từ quan điểm sắc tộc và chỉ trích mạnh mẽ chính sách của Chính phủ Tunku, nên cuốn sách bị cấm lưu hành.

Tháng 9-1970, Abdul Razak Hussein lên làm Thủ tướng Malaysia, đã vận động Mahathir tái gia nhập UMNO. Năm 1973, Mahathir được bầu vào Hội đồng Tối cao UMNO và Thượng viện. Năm 1974, ông tiếp tục trúng cử Hạ viện và được bổ nhiệm Bộ trưởng Giáo dục, một chức vụ quan trọng tại Malsaysia vì cơ hội thăng tiến rộng mở và có thể trở thành thủ tướng.

Mahathir nhớ lại: "Tôi rất ngạc nhiên vì được bổ nhiệm. Nhưng chức Bộ trưởng Giáo dục phù hợp với tôi".

Năm 1965, Mahathir trở thành một trong ba Phó Chủ tịch UMNO. Sau khi Thủ tướng Razak Hussein qua đời vào năm 1976, ông Hussein Onn lên thay và Mahathir trở thành Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công thương.

Nhưng Mahathir không phải đồng minh thân cận của Hussein Onn, nhiều đề xuất chính sách của ông bị bác bỏ. Năm 1981, Hussein Onn rút khỏi chính trường vì lý do sức khỏe, Mahathir lên làm Chủ tịch UMNO và trở thành Thủ tướng Malaysia đầu tiên xuất thân từ "tầng lớp bình dân".

"Người cha của hiện đại hóa"

Nắm quyền lãnh đạo đất nước trong 22 năm, Thủ tướng Mahathir thi hành nhiều chính sách tiến bộ, hiện đại hóa đất nước, đời sống người lao động được cải thiện rõ rệt, người Malaysia yêu mến và trân trọng tặng ông danh hiệu "Bapa Pemodenan" (Người cha của hiện đại hóa).

Thủ tướng Mahathir Mohamad (Nguồn: AP)

Năm 1981, sau khi nhậm chức, Thủ tướng Mahathir từng bước tập trung quyền lực để triển khai những sáng kiến đổi mới.

Năm 1983, ông đã thông qua Quốc hội sửa đổi Hiến pháp để hạn chế quyền lực của Quốc vương Malaysia, theo đó Quốc hội có quyền phê chuẩn các dự luật, bất chấp phản đối của Quốc vương.

Trong những lần sửa đổi Hiến pháp tiếp theo, Quốc vương còn bị truất quyền miễn trừ truy tố và nhiều quyền lực quan trọng khác. Phần lớn quyền lực tại Malaysia tập trung vào tay Thủ tướng và Mahathir được mệnh danh là "Vua không ngai".

Tại Đại hội năm 1987, UMNO bị chia rẽ nghiêm trọng, nhưng Thủ tướng Mahathir vẫn đánh bại thủ lĩnh Tengku Razaleigh Hamzad với tỷ lệ phiếu sít sao. Ông đã loại bỏ những người ủng hộ Tengku trong Nội các.

Tháng 02/1988, Tòa Thượng thẩm Kuala Lumpur bất ngờ tuyên bố UMNO là tổ chức "bất hợp pháp", vì một số chi nhánh hoạt động không đăng ký theo Luật lập hội. Thủ lĩnh Tengku còn thành lập "UMNO Malaysia" để cạnh tranh với UMNO.

Thủ tướng Mahathir đã yêu cầu Quốc hội thông qua Tu chính án, hạn chế quyền tư pháp của Tòa Thượng phẩm Salleh Abas. "UMNO Malaysia" không được công nhận về pháp lý...

Chính sách kinh tế mới

Thủ tướng Mahathir đã tổ chức thực hiện thành công Chính sách kinh tế mới (NEP) của những người tiền nhiệm, thúc đẩy lợi ích kinh tế, tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, cải thiện điều kiện làm việc và đào tạo đại học nhằm tạo cơ hội lớn hơn cho người bản địa, tăng thu ngân sách và nâng cao mức sống cho người lao động.

Năm 1982, Mahathir thi hành chính sách hướng Đông, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa Malaysia theo mô hình phát triển của Nhật Bản.

Năm 1983, hãng sản xuất xe hơi Proton, liên doanh với Mitsubishi của Nhật Bản được thành lập. Dòng xe Proton Saga với tỷ lệ nội địa hóa từ 18% đã tăng lên 69% vào năm 1989, và đến năm 2000, đã "made in Malaysia" 100%. Proton trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Đông Nam Á, niềm tự hào của người Malaysia.

Dòng xe Proton Saga của Malaysia (Nguồn: Sputnik)

Năm 1991, trên cơ sở chủ nghĩa dân tộc tự trị, Thủ tướng Mahathir hoạch định và tổ chức thực hiện "Tầm nhìn 2020" nhằm đưa Malaysia vào nhóm các nước phát triển với Chính sách Phát triển quốc gia (NDP) đề xuất cắt giảm thuế doanh nghiệp, nới lỏng các quy định tài chính và thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài.

"Tầm nhìn 2020" còn chú trọng củng cố hòa hợp dân tộc, tạo ra sự bình đẳng về cơ hội kinh tế, phục vụ lợi ích của các dân tộc Malaysia. Thủ tướng Mahathir đã phát triển Malaysia từ một nước nông nghiệp lạc hậu, trở thành một trong những nước "mạnh nhất" - con rồng của Đông Nam Á.

Từ năm 1988 đến năm 1997, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của Malaysia đạt 10%, mức sống tăng gấp 20 lần, quét sạch nạn đói, phúc lợi xã hội được cải thiện, tỷ lệ biết chữ và tỷ lệ trẻ em tử vong ngang hàng với các nước phát triển, bất bình đẳng thu nhập được thu hẹp.

Mahathir đã biến Malaysia thành một trung tâm viễn thông, tài chính, công nghệ cao của ASEAN. Ông cũng được truyền cảm hứng, thuyết phục người dân thực hiện các dự án kinh tế - xã hội lớn vì lợi ích quốc gia.

Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia (Nguồn: AP)

Dưới thời Mahathir, nhiều dự án đã đem lại lợi ích kinh tế lớn cho Malaysia như đường siêu tốc Bắc-Nam dài 772 km (Nối Bukit Kayu Hitam gần biên giới Thái Lan với Johor Bảu giáp biên giới Singapore) trở thành xương sống giao thương phía Tây bán đảo Malaysia; siêu hành lang truyền thông đa phương tiện (MSC) - một đặc khu kinh tế ở Nam Kuala Lumpur theo hình mẫu Thung lũng Silicon của Mỹ; Thủ đô hành chính bang Putrajaya; Sân bay quốc tế Kuala Lumpur; đập thủy điện Bakun ở Sarawak; thành phố cảng Tanjung Pelepas ở Johor; đường đua quốc tế F1 ở Sepang; tòa tháp đôi Petronas - biểu tượng phát triển kinh tế... Malaysia trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 của Đông Nam Á.

Thủ lĩnh Mahathir là nhà lãnh đạo sáng suốt, theo chủ nghĩa dân tộc, có khả năng tập hợp lực lượng rộng rãi, được coi là hiện thân của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Malaysia với phong cách lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán, công khai phê phán cách làm việc chuyên quyền, kết bè kéo cánh.

Trái với lối sống xa xỉ của những quan chức Malaysia quý tộc, ông truyền cảm hứng cho lớp trẻ bằng phong cách giản di, đi dép Bata giá 4 USD và mua quần áo tại các cửa hàng giảm giá.

Mahathir là hiện thân của thời kỳ thịnh vượng trong lịch sử Malaysia và được những người ủng hộ cũng như truyền thông Malaysia yêu mến tặng cho biệt danh "Bác sỹ M".

(Còn tiếp)

==> Thủ tướng Mahathir Mohamad (1): Từ sinh viên "sản phụ khoa" tới bác sỹ phẫu thuật