Thủ tướng: Kỷ cương hành chính ngành Công Thương phải gắn với trách nhiệm nêu gương

ANTD.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bộ Công Thương không được chủ quan, thỏa mãn, phải nhìn rõ cơ hội, thách thức, làm đầu tàu cho sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra đối với Bộ Công Thương tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2019 sáng nay 17/1.

Báo cáo tổng kết công tác năm 2018 của Ngành Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, năm 2018 toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch của ngành đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao.

Trong đó, ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, mặc dù ngành khai khoáng tiếp tục giảm theo định hướng tái cơ cấu chung, nhưng ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tốc độ cao, là trụ đỡ và là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp cũng như đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Tính chung cả năm 2018, chỉ số IIP nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,3%, qua đó đã góp phần bảo đảm cho tốc độ tăng chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp cả năm 2018 đạt 10,2%, vượt mức chỉ tiêu đề ra đầu năm là 9%.

Đáng chú ý, năm 2018 có thể được xem là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Tính chung cả năm, xuất khẩu cả nước đã đạt 245 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, vượt xa chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương (Quốc hội giao ở mức 7 - 8%, Chính phủ giao ở mức 8 - 10%). Khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tương ứng là 15,9% và 12,9%).

Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết năm 2018, đã có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị (Ảnh: VGP)

Cùng với đó, ngành Công thương đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh với  việc cắt giảm 675/1216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong năm 2017 và đầu năm 2018 (chiếm tỷ lệ 55,5% tổng số điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ).

Giai đoạn 2019 – 2020, Bộ tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 36%), nâng tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương dự kiến đạt 72,1%...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bộ đã “biết giữ lời hứa, lời nói và hành động đi liền nhau, trong đó có những việc làm quyết liệt”. 

Đánh giá cao việc nâng tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương dự kiến đạt hơn 72%, Thủ tướng cho rằng, Bộ đã đi đầu trong công tác này, rất đáng hoan nghênh. "Anh phải giải phóng sức sản xuất để mọi người dân, doanh nghiệp cùng làm, chứ nếu vì quyền lợi của ngành mình, cục bộ, không nhìn đại cục thì không thể phát triển được", Thủ tướng nói.

Cũng tại hội nghị đó, Thủ tướng đã đặt nhiều câu hỏi cho Bộ Công Thương, như: Làm sao trong năm tới sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa phải có chiều sâu hơn nữa trong phát triển. Làm sao thúc đẩy tái cơ cấu công nghiệp, làm sao ngành công thương ưu tiên thu hút đầu tư dự án công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường. Làm sao thúc đẩy sản xuất theo hướng xuất khẩu, đồng thời giữ vững thị trường trong nước. Làm sao tìm ra giá trị gia tăng mới thông qua công nghiệp chế biến ở Việt Nam. Làm sao lực lượng sản xuất mới của công nghiệp, thương mại không chỉ là tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà chủ yếu phải là tư nhân, hợp tác xã…

Bên cạnh kết quả tích cực, theo Thủ tướng, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn các khuyến điểm, tồn tại như tính chủ động trong công tác lập, điều chỉnh nhiều chiến lược, quy hoạch trong ngành công thương còn chưa cao. Một số quy hoạch được triển khai chậm so với yêu cầu của thực tiễn gây lúng túng trong công tác quản lý như quy hoạch phát triển các nguồn điện năng lượng tải tạo, quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia...

Ngành công nghiệp nước ta vẫn chưa phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nội lực còn yếu, trình độ công nghệ vẫn còn lạc hậu; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự đóng vai trò dẫn dắt.

Câu hỏi đặt ra, theo Thủ tướng là, làm sao các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh mẽ; vốn các tập đoàn đa quốc gia đổ vào Việt Nam nhiều hơn nữa trong lúc thế giới có nhiều thay đổi. Chúng ta có môi trường kinh doanh tốt nhưng phải làm sao để Việt Nam trở thành địa bàn dịch chuyển đầu tư, công xưởng của thế giới.

Vì vậy, Thủ tướng cho rằng Bộ Công Thương không được chủ quan, thỏa mãn, phải nhìn rõ cơ hội, thách thức, làm đầu tàu cho sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước để cả nước chúng ta lên chuyến tàu cách mạng công nghiệp 4.0.

Bộ Công Thương cần hết sức coi trọng công tác theo dõi, bám sát diễn biến tình hình cả ở trong nước và quốc tế để từ đó có những phản ứng chính sách linh hoạt, mau lẹ, kịp thời hơn.

Cần tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kỷ cương kỷ luật hành chính trong ngành, gắn với trách nhiệm nêu gương của cấp lãnh đạo trong Bộ, ngành công thương gắn với phương châm hành động của Chính phủ. Thực hiện tốt công tác cán bộ, cán bộ phải thực sự vì công việc, có bản lĩnh, sáng tạo, kiến thức đảm đương tốt nhiệm vụ, công việc được giao.

Nhắc đến sự thi đấu quyết liệt, đồng bộ các tuyến của đội tuyển Bóng đá Việt Nam trong trận gặp Yemen tối 16/1 tại Asian Cup, Thủ tướng nhấn mạnh từng bộ, từng hiệp hội, tập đoàn, từng doanh nghiệp, từng tỉnh phải có chương trình phát triển công thương, phải chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu, phát triển dịch vụ, sản xuất công nghiệp và thương mại. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, toàn ngành công thương chỉ có tiến mà không có lùi.