Thủ tướng hủy nhiều cuộc họp, tới thẳng Quảng Bình chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 10

ANTD.VN - Hủy hàng loạt cuộc làm việc tại các địa phương phía Nam để trực tiếp tới miền Trung thị sát chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa bão, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không để người dân vào cảnh màn trời chiếu đất...

Ngay sau khi dự và phát biểu tại Hội nghị các Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 (SMEMM 24) tại TP.HCM sáng 15/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hủy hàng loạt cuộc làm việc tại các địa phương phía Nam theo chương  trình dự kiến trước đó để cùng đoàn công tác của Chính phủ tới ngay Quảng Bình để kiểm tra tình hình mưa bão, chỉ đạo công tác ứng phó hoàn lưu sau bão và khắc phục hậu quả cơn bão số 10. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe báo cáo về tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Thị sát tình hình thiệt hại tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), đang bị mất điện diện rộng sau bão số 10, Thủ tướng yêu cầu việc cần ưu tiên trước mắt là khắc phục hệ thống điện để cấp điện cho người dân bởi “để cả thành phố tối, mất điện, rất nguy hiểm”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu huy động lực lượng khắc phục, sửa chữa nhà cửa cho người dân, không để người dân vào cảnh màn trời chiếu đất. Theo báo cáo của tỉnh, số nhà bị tốc mái, hư hại là rất lớn.

Sau khi thị sát hiện trường, từ 19h tối nay, Thủ tướng có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình để đánh giá tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa bão.

Theo dự kiến ban đầu, máy bay chở đoàn công tác sẽ bay thẳng ra Đồng Hới (Quảng Bình) nhưng do tình hình mưa bão, máy bay đã hạ cánh xuống Đà Nẵng và từ đó, đoàn đã vượt quãng đường dài 300km đường bộ ra Quảng Bình.

Gần trưa 15-9, bão số 10 đã đổ bộ vào các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình và gây thiệt hại nặng nề. Các tỉnh ghi nhận bước đầu có 6 người chết. 

Tính đến chiều 15-9, theo thống kê của các cơ quan chức năng, tại Quảng Bình có 1 người chết, 6 người bị thương. Toàn tỉnh cũng có 13 nhà bị sập ở huyện Quảng Trạch, 1.500 nhà bị ngập ở thị xã Ba Đồn và 49.155 ngôi nhà bị tốc mái. Ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), 100% trường học, trạm y tế và 70-80% nhà dân bị tốc mái.

Hà Tĩnh ước tính có 23.000 nhà dân ở huyện và thị Kỳ Anh bị tốc mái, nhiều thôn bị cô lập do ngập nước. Số trường học, trụ sở, cây cối bị hư hỏng... chưa thể thống kê.

Nằm ở rìa cơn bão, nhưng Nghệ An cũng chịu thiệt hại nặng. Bão đã làm bà Đào Thị Thức (83 tuổi, trú phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò) tử vong do mảnh vữa từ trần nhà rơi trúng đầu. Toàn tỉnh có 210 nhà tốc mái, chủ yếu ở thị xã Cửa Lò và huyện Nghi Lộc.

Do mưa lớn trước và trong bão nên lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị đã lên xấp xỉ báo động 1. Thủy điện Hố Hô tại Hà Tĩnh đang phải xả tràn, khoảng 900 m3/s, khiến lũ trên thượng nguồn sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ tiếp tục cao, có thể chạm báo động 3 - mức cao nhất.

Tình trạng ngập úng xảy ra tại các đô thị lớn của thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh); Ba Đồn, Đồng Hới (Quảng Bình), Đông Hà (Quảng Trị). Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở miền núi Hà Tĩnh đến Quảng Trị là rất lớn.