Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp: "Không hình sự hóa quan hệ kinh tế"

ANTĐ - Chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” sáng 29-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ mong muốn lắng nghe doanh nghiệp phản ánh những khó khăn vướng mắc, hiến kế, góp ý để Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất phục vụ mọi người dân, doanh nghiệp hăng hái sản xuất, kinh doanh, phát triển...

Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp: "Không hình sự hóa quan hệ kinh tế" ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị

Đây là hội nghị quan trọng, được tổ chức trực tuyến tại TP HCM. Ngoài ra, có 62 điểm cầu tại các  tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương... Ban tổ chức cho biết, tại điểm cầu TP.HCM, có khoảng 300 đại biểu doanh nghiệp dân doanh, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội doanh nghiệp như: AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc, Nhật Bản… tham dự. Ngoài ra, mỗi điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố còn lại trên cả nước có khoảng 50 đến 100 đại diện doanh nghiệp tham dự.

Chủ đề của Hội nghị chính là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Hội nghị cũng là dịp để Chính phủ lắng nghe, xác định các rào cản về cơ chế, chính sách và tìm kiếm giải pháp khắc phục, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; xử lý các kiến nghị, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh và quá trình thực thi pháp luật của đội ngũ công chức.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc, trò chuyện với các đại biểu trước giờ khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng "đặt hàng" doanh nghiệp hiến kế
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng được đón các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam dự hội nghị. Khẳng định vai  trò quan trọng của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời gian qua, dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tuy nhiên thực tiễn vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, hội nghị lần này là dịp quan trọng để Chính phủ lắng nghe doanh nghiệp phản ánh những khó khăn vướng mắc cũng như hiến kế, góp ý để Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tháo gỡ.

Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới cách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Chính phủ và các cơ quan bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, của công dân, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu chiếm lĩnh thị trường quốc tế. "Vì vậy phải tháo gỡ mọi rào cản, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy Nhà nước và tinh thần lớn nhất là “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế” - Thủ tướng nhấn mạnh. 

"Kết quả của hội nghị phải tạo ra niềm tin mới để mọi người dân, để doanh nghiệp hăng hái sản xuất, kinh doanh, phát triển", Thủ tướng khẳng định.

Phải khoan sức cho doanh nghiệp

Thay mặt cộng đồng DN, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng; kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI đề xuất, 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển DN. VCCI cũng đề xuất Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển DN cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển DN.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng theo định hướng chính sách đó, có hai việc cần làm ngay. Thứ nhất, phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” cho DN.

Cụ thể, cộng đồng DN kiến nghị giảm thiểu các rủi ro và chi phí về hành chính (giao dịch, gia nhập thị trường, tuân thủ luật pháp…); giảm lãi suất thực cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất; đẩy mạnh cải cách và minh bạch hóa hệ thống thu-chi các khoản đóng góp liên quan đến lao động; xem xét cải cách theo hướng cắt giảm thuế và phí, bỏ thuế khoán, thay vào đó là thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế môn bài cho DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh; đồng thời ngăn chặn đặt ra các loại phí sai quy định ở địa phương, quản lý chặt chẽ các khoản phí cầu đường, giao thông…

Việc thứ hai là vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển DN.

Cộng đồng DN cũng đề nghị xóa bỏ chế độ chủ quản của các bộ, ngành và chính quyền địa phương với DNNN, rà soát tổng thể các đơn vị sự nghiệp trong toàn quốc để tiến hành cải cách tương tự như DNNN; thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển DN nhỏ và vừa...

Mong nền kinh tế đất nước như một bản nhạc giao hưởng

Phát biểu sau đó, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV Trần Bắc Hà đề xuất 2 nội dung: Về chính sách phải tuân thủ tinh thần Hiến pháp và các FTA; nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, dưới luật chỉ nên có 1 nghị định, không ban hành thông tư; có cơ chế giám sát và chế tài mạnh mẽ đối với cán bộ thực thi nhất là các hành vi nhũng nhiễu DN...

Chủ tịch BIDV cũng đề nghị NHNN tiết giảm dự trữ bắt buộc đối với VNĐ và ngoại tệ; giảm phát hành trái phiếu Chính phủ; đẩy nhanh cơ chế tái cấp vốn và cấp bù lãi suất; tiết kiệm chi phí quản lý của các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh đầu tư vốn cho các dự án PPP… Ông Hà cũng cam kết BIDV sẽ giảm lãi suất tín dụng ngay ngày mai, 30-4…  
Chủ tịch BIDV mong muốn nền kinh tế đất nước sẽ như một bản nhạc giao hưởng, trong đó Thủ tướng là nhạc trưởng, các bộ ngành, cơ quan Nhà nước là nhạc công và doanh nghiệp là ca sĩ để cùng tạo lập một bản nhạc bất hủ về kinh tế đất nước!

Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch một số ngành  bởi quy hoạch cũ đã lỗi thời, không theo kịp mức độ phát triển của ngành. Các doanh nghiệp cũng đề xuất, nên gom các đoàn thanh, kiểm tra của các ngành để mỗi năm chỉ kiểm tra tổng thể 1, 2 lần, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp… Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) Mai Kiều Liên nói: “Hãy coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý. Nếu có môi trường kinh doanh tốt, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thua kém gì so với các nước phát triển thế giới”

Đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp

Sau khi lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cam kết coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên bằng cách triển khai tích cực các hành động cụ thể nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện hơn nữa cho DN mọi thành phần kinh tế phát triển.

Bộ KHĐT sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị Chính phủ các giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ trên cơ sở tuân thủ các quy luật kinh tế thị trường, loạt bỏ các nút thắt thể chế đang làm sai lệnh méo mó thị trường; tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp, bảo đảm doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng; áp dụng triệt để, nhất quán tinh thần của Hiến pháp 2013 về tôn trọng  quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đảm báo thực hiện đúng quan điểm “người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”.

Khẳng định hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã họp với các ngân hàng thương mại lớn, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí quản lý để giảm lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng lớn đã cam kết giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn trong thời gian tới...

Tại hội nghị, UBND TP Hà Nội, UBND TP.HCM và VCCI đã ký giao ước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh. Theo đó, Hà Nội cam kết đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử; 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng sẽ được giải quyết trong vòng 2 ngày (giảm 1 ngày so với quy định); duy trì tỉ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử 95%, nộp thuế điện tử là 90%; cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư so với quy định; giảm 20% thủ tục hành chính trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất...

TP.HCM phấn đấu 98% DN kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử là 90%; về thủ tục hải quan phấn đấu giảm 50% so với quy định; thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư giảm 30%...

Phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế như môi trường đầu tư chưa thuận lợi cho doanh nghiệp ra đời và phát triển; các luật và văn bản hướng dẫn ban hành còn chậm khiến cho doanh nghiệp phải chờ đợi; chưa có cơ chế hiệu quả khuyến khích doanh nghiệp phát triển đột phá và áp dụng khoa học tạo ra thương hiệu lớn...

Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước sẽ đảm bảo quyền tự do kinh doanh và bình đẳng, tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp. “Chính phủ sẽ nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp phát triển. Các cơ quan Nhà nước phải nhận khó khăn về mình, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng kêu gọi doanh nhân Việt Nam nêu cao tinh thần dân tộc, nói không với trốn lậu thuế và nêu cao tinh thần liêm chính trong kinh doanh.

Chiều nay, 29-4, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm việc với các bộ ngành, địa phương để bàn cách xử lý, giải quyết ngay những kiến nghị của doanh nghiệp chưa được trả lời tại hội nghị.