Thủ tướng định hướng Hà Nội xây dựng "làng trong phố, phố trong làng"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 14-1, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao quyết định, hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao quyết định, hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Ngày 12-12-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1569/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra những “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trong ngắn hạn và dài hạn, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Quan điểm cốt lõi của quy hoạch là “con người là trung tâm của sự phát triển”, với hình ảnh Thủ đô Hà Nội được định hình: “Thủ đô văn hiến - kết nối toàn cầu thanh lịch hào hoa - phát triển hài hòa - thanh bình thịnh vượng - chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc”.

Theo Quy hoạch vừa được phê duyệt, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước.

Tới năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến. Người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.

Quy hoạch xác định: Năm không gian phát triển - Năm hành lang và vành đai kinh tế - Năm trục động lực phát triển - Năm vùng kinh tế, xã hội - Năm vùng đô thị.

Hệ thống đô thị Thủ đô Hà Nội được tổ chức theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, các trục đô thị hướng tâm, các thành phố trong Thủ đô. Phát triển mở rộng đô thị khu vực phía Bắc sông Hồng để tạo không gian đô thị cân đối, hài hòa hai bên sông, trục sông Hồng thành trục cảnh quan trung tâm; hình thành mô hình thành phố trong Thủ đô để tạo các cực tăng trưởng, động lực phát triển mới.

Ngày 27-12-2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Quy hoạch xác định cấu trúc phát triển đô thị là vùng đô thị, đa cực, đa trung tâm, với 5 vùng đô thị gồm: Vùng đô thị phía Nam sông Hồng, gồm khu vực nội đô lịch sử, nội đô lịch sử mở rộng, khu vực mở rộng đô thị về phía Tây và Nam - Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và một phần thuộc Thanh Oai, Thường Tín.

Một trong những nội dung chính của Quy hoạch là định hướng phát triển không gian cho Thủ đô Hà Nội với không gian tổng thể, không gian theo khu vực; định hướng phát triển nông thôn, không gian xanh, hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh; định hướng kiến trúc cảnh quan - thiết kế đô thị tổng thể; định hướng quy hoạch không gian ngầm; định hướng quy hoạch sử dụng đất theo các giai đoạn; định hướng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật...

Thủ tướng Phạm Minh Chính định hướng Hà Nội xây dựng "làng trong phố, phố trong làng"

Thủ tướng Phạm Minh Chính định hướng Hà Nội xây dựng "làng trong phố, phố trong làng"

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, chúc mừng thành phố Hà Nội đã hoàn thiện 2 quy hoạch rất công phu, trên cơ sở kế thừa những quy hoạch trước đây và tìm ra được những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh mới. 2 đồ án cũng đã chỉ ra được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém để có giải pháp thực hiện

Thủ tướng Chính phủ lưu ý quy hoạch mang tính dẫn dắt, định hướng, đưa ra tầm nhìn, thông điệp nhưng lại là quy định pháp quy chứ không có tính chất phong trào “nói cho vui, đưa ra thông điệp cho hay”.

Trên cơ sở đó, thành phố phải xây dựng kế hoạch thực hiện các đồ án quy hoạch theo đúng Luật Quy hoạch; lưu ý bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tình hình diễn biến thực tiễn.

Thủ tướng đề nghị Hà Nội nghiên cứu xây dựng cung triển lãm quy hoạch xứng tầm để vừa tăng cường công khai, minh bạch và sự giám sát của người dân, vừa thu hút đầu tư, đồng thời là một sản phẩm du lịch; xây dựng "làng trong phố, phố trong làng"; tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, phát huy tối đa truyền thống, bản sắc văn hóa – lịch sử phong phú, hào hùng; khai thác hiệu quả không gian ngầm, không gian vũ trụ, không gian mặt nước, hồ ao, đặc biệt là sông Hồng.

"Hà Nội cũng cần tập trung phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí; quốc tế hoá văn hoá bản sắc dân tộc ra thế giới và Việt Nam hoá tinh hoá văn hoá thế giới vào đất nước”, Thủ tướng Chính phủ lưu ý.

Thủ tướng Chính phủ tin tưởng với sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, Hà Nội sẽ thực hiện được hai đồ án quy hoạch đã rất kỳ công thực hiện.

Thủ tướng nêu rõ, việc thực hiện nghiêm các đồ án quy hoạch này thì Hà Nội sẽ có bước tiến quan trọng, đột phá góp phần vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Huy động nguồn lực xử lý ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Sáng 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Về các vấn đề cấp bách, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội và các địa phương xây dựng và triển khai ngay các đề án, dự án để huy động nguồn lực xử lý ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, làm sống lại các dòng sông chết, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân… báo cáo Chính phủ về cơ chế, nguồn lực, hoàn thành trong quý I/2025. Cùng với đó, tập trung huy động các nguồn lực phát triển, giải ngân đầu tư công...