Thủ tướng đã nói lên quan điểm của nhân dân

ANTĐ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ông Lê Việt Trường nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp hòa bình để yêu cầu Trung Quốc rút khỏi vùng biển của nước ta. Đương nhiên, là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam hoàn toàn có quyền tự vệ chính đáng trước các hành động vượt quá giới hạn luật pháp quốc tế.

- Ông nhìn nhận thế nào về việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trên vùng biển Việt Nam?

- Ông Lê Việt Trường: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào vùng biển của Việt Nam là hết sức nghiêm trọng. Hành động này đi ngược hoàn toàn nội dung được thỏa thuận trong DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông). Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hành động này không đơn thuần là khai thác tài nguyên vì mục đích kinh tế mà sâu xa nhằm khẳng định tuyên bố đường lưỡi bò vô lý của họ. 

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc có những hành động gây hấn, khiêu khích chúng ta. Trước đây họ đã từng đưa ra những yêu sách vô lý như cấm ngư dân của ta đánh bắt cá theo mùa, cắt cáp quang thăm dò trong vùng biển của ta, tiếp đó là bắt bớ tàu thuyền của ngư dân… Những hành động này ngày một leo thang ở mức độ nghiêm trọng và trắng trợn hơn.

- Ông đánh giá thế nào về các giải pháp mà Việt Nam đã thực hiện cho tới nay?

- Chúng ta đã và đang hành động đúng hướng. Ta đã đưa lực lượng ra xua đuổi, tuyên truyền rõ quan điểm của mình, yêu cầu Trung Quốc rút khỏi vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Ở góc độ ngoại giao, chúng ta cũng đã tổ chức một cuộc họp báo chính thức ở cấp Nhà nước. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã điện đàm trao đổi trực tiếp, nói rõ quan điểm với phía Trung Quốc. Chúng ta đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền chủ quyền theo luật pháp quốc tế, buộc họ tuân thủ quy định DOC rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, những hành động vừa qua của chúng ta là rất phù hợp. Bởi nếu Việt Nam huy động lực lượng quân sự để giải quyết vấn đề rất có thể sẽ trúng kế của họ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng tính toán để không đẩy vấn đề xấu đi. Chúng tôi đánh giá phản ứng của Chính phủ là rất kịp thời, chủ động.

- Tại Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu đanh thép về việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trên vùng biển Việt Nam, ông đánh giá thế nào về thông điệp này?

- Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hết sức rõ ràng. Thủ tướng đã thay mặt các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam thể hiển quan điểm của mình về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đã được luật pháp quốc tế công nhận. Với trách nhiệm của mình trước nhân dân, phát biểu của Thủ tướng là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Quan điểm của Thủ tướng chắc chắn sẽ được nhân dân, cử tri trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế chia sẻ.

- Theo ông, chúng ta nên hành động tiếp theo như thế nào?

- Theo quan điểm của Thủ tướng và các cấp lãnh đạo Đảng Nhà nước, Việt Nam sẽ làm hết sức, hết trách nhiệm của mình, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, mỗi quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc đều có quyền tự vệ chính đáng. Mỗi thành viên phải luôn tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời cũng phải hiểu, mỗi quốc gia đều có quyền tự vệ. Việt Nam đã xây dựng được một nền quốc phòng độc lập, tự chủ và tự vệ. Nếu bị xâm phạm đến một mức độ nào đó, buộc lòng chúng ta sẽ phải sử dụng đến quyền tự vệ chính đáng. Tôi tin chắc rằng, chúng ta sẽ đứng vững và tiếp tục phát triển vì lịch sử của Việt Nam có cả một quá trình hình thành, phát triển, với truyền thống chiến đấu bảo vệ bờ cõi anh hùng, bất khuất.

- Có đề xuất cho rằng, tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội nên có một nghị quyết về vấn đề Biển Đông để khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, ông nghĩ sao?

- Chương trình dự kiến của kỳ họp Quốc họp lần này đã được gửi đến các vị ĐBQH để lấy ý kiến. Tại phiên họp trù bị, tùy thuộc vào yêu cầu (nêu vấn đề) của các ĐBQH, Quốc hội sẽ xem xét có đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của kỳ họp hay không. Cá nhân tôi thấy nếu Chính phủ có báo cáo cho các ĐBQH thì rất tốt, để tạo sự đồng thuận cao. Trách nhiệm của mỗi đại biểu, là đại diện cho cử tri cũng cần được biết. Tôi nghĩ yêu cầu này sẽ được nhiều đại biểu đề cập.