Thủ tướng chỉ rõ 3 điểm chính để phòng chống dịch tả lợn châu Phi

ANTD.VN -Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Hà Nội đã quyết liệt trong công tác phòng chống dịch và mọi nơi phải thay đổi cách làm từ cơ sở; lấy phòng là chính, cơ sở là chính, dân là chính để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân, cho ngành nông nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương một gia đình chăn nuôi có lợn nhiễm bệnh nhưng đã tuân thủ đúng quy trình dập dịch

Ngày 19-5, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi có diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại huyện Đông Anh (Hà Nội).

Hà Nội làm tốt công tác chống dịch

Trước khi làm việc với UBND huyện Đông Anh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hộ chăn nuôi của ông Trần Văn Mậu tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương.

Trả lời Thủ tướng, ông Trần Văn Mậu cho biết gia đình ông nuôi hơn 600 con lợn. ngay khi đàn lợn mắc tả lợn châu Phi, chính quyền địa phương đã kịp thời hướng dẫn hộ gia đình các biện pháp xử lý lợn dịch, đồng thời đã kịp thời hỗ trợ kinh phí tiêu huỷ lợn dịch.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao việc thực hiện đúng các bước khi có dịch của gia đình ông Mậu và chia sẻ với khó khăn cũng như động viên ông Mậu yên tâm, tin tưởng, thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch.

“Việc làm đúng của gia đình ông Mậu cần nhân rộng tuy nhiên cần chú ý phải tái đàn đúng quy trình, không nóng vội, tránh dịch bệnh bùng phát trở lại”, Thủ tướng nhắc nhở.

Tại UBND huyện Đông Anh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, TP có hơn 1,87 triệu con lợn.

Ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện tại hộ chăn nuôi lợn rừng sử dụng thức ăn tận dụng tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) vào ngày 24/2/2019.

Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 9.465 hộ chăn nuôi, làm mắc bệnh và tiêu hủy hơn 147.700 con. Trong đó, một số huyện bị ảnh hưởng nhiều là Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên.

Hiện nay, dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn, kể cả một số hộ có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn.

Đã có 23 hộ chăn nuôi có số lượng lợn phải tiêu hủy từ 200 con trở lên. Trong đó, hộ có số lượng lợn tiêu hủy lớn nhất là 629 con tại huyện Đông Anh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, dù chúng ta chỉ đạo phòng chống dịch rất sớm, từ tháng 8/2018, khi dịch xuất hiện ở Trung Quốc, nhưng bệnh vẫn lây lan và vào ngày 1/2/2019, dịch bắt đầu ở địa phương đầu tiên là Hưng Yên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi động viên hộ chăn nuôi lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại huyện Đông Anh, Hà Nội

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt từ việc hướng dẫn bà con nông dân cách, kỹ thuật phòng chống dịch, hỗ trợ kịp thời, khoanh vùng dịch…

Tuy nhiên theo Bộ trưởng, hiện nay đã có 34 tỉnh thành phố phát hiện dịch và  nếu không làm tốt công tác phòng chống, dịch sẽ tiếp tục lây lan, có thể lên tới 100% địa bàn, kể cả những nơi hết dịch sau 30 ngày thì bệnh vẫn quay trở lại. Không chỉ những hộ nhỏ lẻ, đến nay, cả những hộ chăn nuôi lớn cũng bị ảnh hưởng.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho biết, sau khi thị sát thực tế tại hộ chăn nuôi lợn tại Đông Anh, TP Hà Nội, huyện Đông Anh và người dân đã chủ động triển khai phòng, dập dịch tả lợn châu Phi.

Thủ tướng dẫn chứng: "Tôi vào thăm hộ phải tiêu hủy 629 con lợn nhiễm bệnh ở xã Tiên Dương, Đông Anh thì thấy cách làm quyết liệt, chôn lấp đúng kiểu, hỗ trợ người dân kịp thời”.

Thủ tướng chỉ rõ 3 điểm chính để phòng chống dịch tả lợn châu Phi ảnh 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với huyện Đông Anh

Đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm dịp cuối năm

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý với 2,5 triệu hộ nuôi lợn và do đặc điểm của bệnh (chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh, virus có sức đề kháng cao, sống lâu, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát), cho nên, đến nay, 34 tỉnh, thành phố bị thiệt hại với 5% tổng đàn.

Ở Hà Nội, có 24 huyện, quận đã bị nhiễm bệnh với 10% tổng đàn bị thiệt hại, còn Đông Anh thì thiệt hại đến 20%.

Thủ tướng lưu ý cảnh báo của FAO (Tổ chức Lương thực, Nông nghiệp Liên Hợp Quốc) cho biết dịch tả lợn châu Phi có thể kéo dài. Các nước lân cận cũng bị thiệt hại rất lớn.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh chủ trương: "Phòng chống dịch như chống giặc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này".

Từ đó, Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở phương châm hàng đầu là: “Phòng là chính, cơ sở là chính, dân là chính”. Các cơ sở, địa phương chưa bị dịch thì cần chủ động, tích cực hơn nữa, không đợi có dịch rồi mới chống.

Nếu có dịch rồi thì cần ngăn chặn lây lan kịp thời theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hỗ trợ cho người dân một cách kịp thời, chặt chẽ, minh bạch; phải bảo đảm vệ sinh môi trường.

Thủ tướng chỉ rõ 3 điểm chính để phòng chống dịch tả lợn châu Phi ảnh 4

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở huyện Đông Anh Hà Nội

Nêu việc cân đối các loại thực phẩm cung ứng cho người dân rất quan trọng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải có biện pháp phát triển các loại sản phẩm khác để bảo đảm đời sống cho nông dân và giải quyết thực phẩm cho người dân, nhất là giai đoạn cuối năm như bò, gà, vịt, cá, tôm…

Các cơ quan chức năng cũng cần hỗ trợ, tuyên truyền để người dân không quay lưng với thịt lợn sạch.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh cần hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân, cho ngành nông nghiệp và nêu rõ: “Phải thay đổi phương thức, cách làm, phải chỉ đạo quyết liệt từ Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn, thường vụ huyện ủy... Không thể cách làm cũ sơ sơ được mà phải rất cụ thể, quyết liệt. Hàng trăm văn bản chỉ đạo rồi, cần phải thay đổi ngay...".