Thủ tướng Boris Johnson bị chỉ trích, nước Anh căng thẳng vì Brexit

ANTD.VN - Nhậm chức chưa đầy 2 tháng, song tân Thủ tướng Anh Boris Johnson dường như đang phải “vật lộn” giữa việc tìm một đường lui cho đất nước trong tiến trình Brexit. Ông đã phải nhận không ít chỉ trích đến từ phe đối lập và cả những người dân của mình. 

Thủ tướng Boris Johnson bị chỉ trích, nước Anh căng thẳng vì Brexit ảnh 1Thủ tướng Anh bị chỉ trích nặng nề chỉ trong vòng 2 tháng nhậm chức

Chỉ trích nặng nề

Mới đây nhất, ngày 11-9, Tòa án Dân sự cấp cao Scotland đã cho rằng, Thủ tướng Boris Johnson đã không tuân thủ theo đúng luật lệ Anh và chính phủ của ông bị cáo buộc lừa dối Nữ hoàng. Mặc dù việc lừa dối Nữ hoàng Anh không phải phạm pháp, song nó cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín và hình ảnh của tân Thủ tướng trong mắt người dân. Tuy nhiên, ông Boris Johnson đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc nói trên. 

Thủ tướng Johnson trước đây từng nói rằng, ông muốn tạm ngưng hoạt động Nghị viện trong 5 năm tuần để có thời gian thiết lập một chương trình nghị sự lập pháp mới cho chính phủ của mình. Tuy nhiên, những người chỉ trích lại cho rằng, mục đích chính của ông nhằm ngăn việc chính phủ bị buộc tội bởi họ đang “chạy nước rút” để nhanh chóng có thể tiến hành Brexit đúng thời hạn vào ngày 31-10 tới đây. Tòa án cũng đồng ý với ý kiến này và nhấn mạnh hành động của Thủ tướng Anh đã được thúc đẩy bởi “mục đích che giấu Quốc hội bất hợp pháp”. Phán quyết trên của Tòa án không đồng nghĩa với việc Quốc hội sẽ bị hủy bỏ. Tòa án tối cao Vương quốc Anh sẽ tiến hành xét xử phúc thẩm cuối tuần tới để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, sự việc đã đẩy căng thẳng lên tới đỉnh điểm, đặc biệt là khiến phe đối đầu với Thủ tướng Boris Johnson có thêm bằng chứng để lật đổ ông. 

Kể từ khi trở thành Thủ tướng, ông Johnson đã cam kết sẽ đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu đúng thời hạn vào ngày 31-10-2019 bất chấp việc có đạt được thỏa thuận với phía Brussel hay không. Tuy nhiên, chỉ trong vỏn vẹn 2 tuần hoạt động sau kỳ nghỉ của Nghị viện, ông Johnson đã nhận thất bại tới 6 lần liên tiếp cho những đề xuất của mình. Chính phủ Thủ tướng Anh đã có thể yêu cầu gia hạn Brexit, nhưng đáng tiếc là ông Boris Johnson đã không đạt được thỏa thuận này với EU. Việc này đã khiến họ phải công bố chi tiết nội dung cuộc trao đổi kín với EU và thất bại đó đã khiến Thủ tướng Anh yêu cầu một cuộc bỏ phiếu sớm. Tuy nhiên yêu cầu đó đã bị Quốc hội từ chối. 

Thất bại của Thủ tướng Boris Johnson được cho là không mấy bất ngờ bởi trước đây, Thủ tướng tiền nhiệm Theresa May cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm lối thoát cho Brexit. Sau khi tiếp quản vị trí của bà May, thay vì lựa chọn con đường xây dựng sự đồng thuận giữa EU và Anh hậu Brexit, ông Johnson lại sẵn sàng đưa Anh rời bỏ EU bằng mọi giá, bất chấp việc có đạt được thỏa thuận chung hay không. Hành động này của ông Johnson đã kích động một cuộc biểu tình lớn hồi đầu tuần trước trên khắp nước Anh. Vụ việc đã khiến 21 Nghị sĩ của đảng Bảo thủ bị “khai trừ” do ủng hộ phe đối lập. Trong 21 Nghị sĩ này có 9 cựu Bộ trưởng và nhiều nhân vật quan trọng như cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond hay Nghị sĩ lâu năm nhất Kenneth Clarke.

Thủ tướng Boris Johnson bị chỉ trích, nước Anh căng thẳng vì Brexit ảnh 2Người dân Anh ra đường biểu tình phản đối Thủ tướng Boris Johnson

Nước Anh trong trạng thái căng thẳng

Có thể trong vài tháng tới, một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức, đặc biệt là khi Thủ tướng Boris Johnson đã nỗ lực kêu gọi tiến hành bầu cử sớm trước thời hạn 2 lần chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng sau khi nhậm chức. Thủ tướng Anh nhấn mạnh, ông không mong muốn gia hạn Brexit như Nghị viện gợi ý, và bởi ông đã đình chỉ Nghị viện nên họ không có quyền can thiệp vào những quyết định tới đây. 

Trong trường hợp một cuộc bầu cử sớm được tiến hành, ông Johnson hoàn toàn có thể tự tin nói với những người ủng hộ mình rằng, ông đã làm mọi cách để đưa Anh rời khỏi EU đúng thời hạn, nhưng những nhà lập pháp đối lập đã tìm cách phá hỏng và chống lại kế hoạch của ông. Đây là một con đường khó khăn, song Thủ tướng Johnson có thể chiếm lấy lợi thế trong cuộc bầu cử bằng việc yêu cầu phe đối lập chứng minh rằng họ có thể tránh việc Brexit mà không có thỏa thuận, giống như khi họ yêu cầu ông đảm bảo sự ra đi của Anh vào đúng thời hạn 31-10.

Đó là lý do những người phản đối không đồng ý với việc tiến hành bỏ phiếu trước thời hạn của Thủ tướng Johnson và họ đang nỗ lực hết sức để đưa Quốc hội Anh trở lại hoạt động. Nếu Tòa án Tối cao của Vương quốc Anh quyết định rằng, việc đình chỉ Nghị viện thực sự là bất hợp pháp thì Hạ viện sẽ tái lập. Bởi vì Quốc hội đã được thành lập, chính phủ Anh cần có nghĩa vụ đưa ra chương trình nghị sự lập pháp dưới dạng bài phát biểu trước mặt Nữ hoàng Anh. Điều này sẽ kéo theo một cuộc bỏ phiếu khiến Thủ tướng Johnson đứng trước nguy cơ bị bãi miễn. Trường hợp thứ hai, nếu Tòa án Tối cao không buộc các nhà lập pháp quay lại làm việc sớm thì Vương quốc Anh có thể sẽ trở nên vô cùng hỗn loạn khi Quốc hội mở cửa trở lại vào ngày 14-10 tới. 

Bối cảnh cuộc chiến Brexit hiện nay tại Anh đã thay đổi. Trước đây, đó là cuộc đối đầu giữa những người lựa chọn rời khỏi EU và những người muốn ở lại. Còn giờ đây, chiến trường Brexit lại thuộc về 2 phe, một bên bất chấp rời khỏi EU đúng thời hạn 31-10 và bên còn lại thì cố gắng tìm mọi cách để tránh Brexit mà không có thỏa thuận. Tuy nhiên, có vẻ như các nhà lập pháp Anh không có ý định trở lại làm việc trước thời hạn 14-10.

Trong cả 2 kịch bản đặt ra, khả năng cao Vương quốc Anh sẽ phải tiến hành một cuộc bầu cử sớm. Và nếu Nghị viện quay trở lại làm việc trước thời hạn, những người phản đối khẩu hiệu của “Do or Die” (Làm hay Chết) của Thủ tướng Johnson sẽ có thêm các cơ hội mới để làm nản lòng kế hoạch rời EU bất chấp thỏa thuận của ông. Có thể thấy, diễn biến tại Anh hiện giờ còn vô cùng hỗn loạn và viễn cảnh Brexit cũng đang khiến nhiều người sinh sống tại đây lo ngại. 

Khả năng cao Vương quốc Anh sẽ phải tiến hành một cuộc bầu cử sớm. Và nếu Nghị viện quay trở lại làm việc trước thời hạn, những người phản đối khẩu hiệu của “Do or Die” (Làm hay Chết) của Thủ tướng Johnson sẽ có thêm các cơ hội mới để làm nản lòng kế hoạch rời EU bất chấp thỏa thuận của ông. Có thể thấy, diễn biến tại Anh hiện giờ còn vô cùng hỗn loạn và viễn cảnh Brexit cũng đang khiến nhiều người sinh sống tại đây lo ngại.