Thủ tướng Anh Theresa May và chuyện tình buồn, mang tên "Brexit"

ANTD.VN - Thủ tướng Anh Theresa May lên nắm quyền sau khi người tiền nhiệm từ chức vì vấn đề Brexit, nhưng cũng chính "bế tắc" về thỏa thuận Brexit đã khiến bà phải rời chiếc ghế Thủ tướng ngay trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (từ ngày 23 đến ngày 26-5)

Được kỳ vọng lớn, song bà Theresa May vẫn "bế tắc" trong Brexit

Năm 2016, bà May thay người tiền nhiệm David Cameroon lên nhậm chức Thủ tướng với mục tiêu là "dẫn dắt" thành công nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, ba năm sau, nước Anh "vẫn" trong EU. Ngày 24-5, trong khi châu Âu đang "nhộn nhịp" với cuộc bầu cử Nghị viện (từ ngày 23 đến ngày 26-5), bà May đột ngột tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ vào ngày 7-6 và nhấn mạnh sẽ giữ chức Thủ tướng Anh đến khi Đảng Bảo thủ chọn ra người kế nhiệm vào tháng 7-2019.

Bà Theresa May đã tuyên bố từ chức Thủ tướng Anh vào ngày 7-6 tới (Nguồn: TASS)

Trước đó, trong thời gian xin gia hạn, chính phủ của Thủ tướng Anh đã phải xoay sở để thuyết phục Quốc hội Anh chấp nhận các điều khoản trong Brexit của mình, song bà đã chịu thất bại. Cụ thể: Ngày 20-3-2019, Thủ tướng Anh Theresa May đã viết thư cho Liên minh châu Âu (EU) đề nghị trì hoãn việc Anh ra khỏi khối này (Brexit) thêm 3 tháng, trong bối cảnh chỉ còn 9 ngày nữa là đến thời điểm Anh rời khỏi EU theo kế hoạch. EU đã chấp nhận gia hạn đến ngày 22-5 nếu như Quốc hội Anh thông qua kế hoạch của bà May.

Ngay sau khi nhận được thư của Thủ tướng Anh đề nghị gia hạn điều 50 Hiệp ước Lisbon về việc Vương quốc Anh rời khỏi EU đến ngày 30-6-2019, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng thảo một lá thư khác gửi lãnh đạo 27 nước thành viên EU, đề nghị các nước đồng ý gia hạn cho Brexit, nhưng kèm theo điều kiện là Hạ viện Anh sắp tới phải phê chuẩn thỏa thuận mà EU và Anh đã đạt được vào tháng 11-2018.

Bà May nhấn mạnh, Anh vẫn sẽ rời khởi EU một cách có trật tự và chỉ muốn trì hoãn thêm 3 tháng.

Việc EU chấp nhận gia hạn Brexit cho Anh tới ngày 22-5 là nhằm tránh các rắc rối về mặt pháp lý và chính trị liên quan đến cuộc bầ cử Nghị viện châu Âu từ ngày 22 đến ngày 26-5-2019. Nếu sau ngày 22-5 mà Brexit chưa "ngã ngũ", về mặt pháp lý, Anh sẽ phải tham gia cuộc bầu cử này vì khi đó Anh vẫn là thành viên EU, nhưng về mặt chính trị, đây là điều rất khó chấp nhận bởi Anh đã ra quyết định rời EU.

Thực ra, nếu như Hạ viện Anh đồng ý với thỏa thuận Brexit thì yếu tố này có thể dễ dàng được gạt ra, bởi khi đó, thời gian gia hạn 3 tháng Brexit chỉ là vấn đề thủ tục kỹ thuật để Nghị viện các bên phê chuẩn. Nhưng nếu trong thời điểm bầu cử châu Âu mà vẫn chưa có thỏa thuận Brexit nào đạt được thì châu Âu sẽ phải giải quyết rắc rối pháp lý này.

Trước đó, Quốc hội Anh đã 3 lần bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May vất vả mới đạt được với EU thông qua các cuộc đàm phán kéo dài. Trong thư gửi ông Tusk, bà May nói bà muốn tổ chức một cuộc bỏ phiếu nữa về thỏa thuận Brexit, nhưng Chủ tịch Quốc hội Anh Jeremy Corbyn đã ngăn cản điều đó và phe đối lập cũng ngay lập tức đưa ra những lời chỉ trích.

Lãnh đạo Công đảng Anh J. Corbyn lên tiếng cáo buộc bà May đưa nước Anh vào khủng hoảng, hỗn loạn và chia rẽ, cho rằng, bằng việc trì hoãn một thời gian ngắn, bà May đang ép các nghị sỹ phải lựa chọn giữa việc chấp nhận một thỏa thuận mà họ đã 3 lần từ chối hoặc là phải rời EU mà không có thỏa thuận. Còn các thành viên ủng hộ Brexit từ Đảng Bảo thủ của bà May thì phản đối Brexit dài hơn 3 tháng vì lo ngại rằng điều đó có nghĩa Brexit có thể "không bao giờ" xảy ra.

Tuy nhiên, qua ngày 22-5-2019, bà May vẫn bế tắc khi không thể tháo gỡ được vấn đề Brexit, cuối cùng bà đã đưa ra quyết định từ chức trong bối cảnh đang diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu; đây được là một kết cục buồn thảm cho nữ Thủ tướng thứ hai của Anh, sau bà Magaret Thatcher.

Nỗi buồn nữ thủ tướng Anh thứ hai

Bà Theresa May sinh ngày 1-10-1956 tại Eastbourne, thị trấn ven biển ở miền nam nước Anh. Từ năm 12 tuổi, bà đã có mong muốn trở thành chính trị gia. Bà tốt nghiệp Đại học Oxford trước khi được bầu vào quốc hội năm 1997.

Năm 2002, bà Theresa May trở thành Chủ tịch Đảng Bảo thủ, gây ấn tượng khi nói tại Hội nghị Đảng thường niên rằng, Đảng Bảo thủ cần thay đổi hình ảnh "khó chịu" của mình nếu họ muốn vượt qua Công đảng của Thủ tướng Anh thời đó là Tony Blair.

Năm 2010 - 2016, bà giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, chịu trách nhiệm các vấn đề biên giới, nhập cư, luật pháp và trật tự; bà luôn nhấn mạnh không dung thứ cho việc nhập cư bất hợp pháp. Năm 2016, Thủ tướng Anh David Cameron từ chức sau khi Anh trưng cầu dân ý, quyết định rời khỏi EU. Bà đã đánh bại các chính trị gia nổi tiếng hơn để trở thành nữ thủ tướng thứ hai của Anh.

Như vậy, gần 3 năm sau cuộc bỏ phiếu ra khỏi EU năm 2016, Chính phủ của bà May gặp vô vàn khó khăn, nhất là trong bối cảnh không nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội, sức ép lớn từ các nước thành viên EU, cũng như sự "lục đục" nội bộ giữa các quan chức trong chính phủ, cũng như ngay trong Đảng Bảo thủ, đã khiến quãng đường sự nghiệp của Theresa May phải dừng lại giữa chừng, kết thúc chuyện tình buồn, mang tên "Brexit".