Thủ tướng Angela Merkel trong mắt cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush không mấy khi nhận lời trả lời phỏng vấn. Nhưng ông đã phá lệ với hãng tin DW (Đức) khi đưa ra một số nhận xét cá nhân đối với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel về thời gian tại vị của bà cũng như mối quan hệ của họ.
Bức chân dung nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel trong bộ sưu tập của ông George W. Bush

Bức chân dung nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel trong bộ sưu tập của ông George W. Bush

George W. Bush - vị Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ từ khi rời Nhà Trắng thường giữ khoảng cách với sân khấu chính trị. Hội họa chính là niềm say mê của ông. Đáng nói, trong số 30 nhà lãnh đạo trên thế giới mà ông đã vẽ chân dung, có một bức Thủ tướng Đức Angela Merkel. “Tôi rất vui khi nhận buổi phỏng vấn này cho Angela thân yêu của tôi” - ông tuyên bố.

Người phụ nữ không sợ làm lãnh đạo

“Bà Merkel đã đưa đẳng cấp và phẩm giá lên một vị trí rất quan trọng. Bà đã ra nhiều quyết định rất khó khăn để mang lại những gì tốt nhất cho nước Đức, dĩ nhiên chúng đều dựa trên nguyên tắc. Đó là một nhà lãnh đạo có lòng trắc ẩn, một người phụ nữ không sợ làm lãnh đạo. Khi Angela Merkel đưa ra quyết định mở rộng cửa đón người nhập cư, phản ứng đầu tiên của tôi là “đây là người phụ nữ có trái tim cao cả”. Và bạn biết đấy, đó rõ ràng là một quyết định chính trị khó khăn, nhưng bà ấy đã tiên phong” - ông Bush kể.

Đối với ông George W. Bush cũng như đối với nhiều người Mỹ, Angela Merkel là điển hình hóa của “giấc mơ Mỹ”. Là một phụ nữ lớn lên dưới chế độ cộng sản, bà đã lọt vào top những người đứng đầu thế giới tự do. Và không phải ở đâu khác mà là ở Đức - đất nước mà theo quan điểm của người Mỹ - đã 2 lần được giải phóng khỏi chế độ Đức Quốc xã và sự chia rẽ sau Chiến tranh lạnh. Đặc biệt, trong 4 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Donald Trump, bà Merkel được những người Mỹ theo chủ nghĩa tự do coi là nhà lãnh đạo của thế giới tự do.

Angela Merkel đã hoàn thành tốt công việc của mình chưa? Tôi nghĩ là rồi. Cả tôi và bà ấy đều không cần phải lo lắng về lịch sử ngắn hạn, bởi vì chúng ta sẽ không biết mình đứng ở đâu sau khi chúng ta qua đời.

Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush

Từ trước đến nay, vị trí đó chỉ thuộc về các nhà lãnh đạo nước Mỹ. Và khi Liên minh châu Âu cũng như các quốc gia châu Âu riêng lẻ khác bị lung lay bởi bất ổn chính trị, bà Merkel được xem như một “hòn đá tảng”, một hằng số đáng tin cậy trong một thế giới luôn thay đổi, nơi các vấn đề dường như ngày càng trở nên lớn hơn và các giải pháp khả thi ngày càng phức tạp hơn. “Bà Merkel đã tồn tại vững vàng trong một môi trường khắc nghiệt suốt nhiều năm, điều đó thật tuyệt vời”.

Mối quan hệ đặc biệt xuyên Đại Tây Dương

Giống như đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Bush cũng chỉ trích việc xây dựng Nord Stream 2 - đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic. Ông Bush cho rằng, đường ống này sẽ làm tăng sự phụ thuộc của Đức vào Nga, nhưng cũng làm phức tạp thêm tình hình cho Ukraine. Tuy nhiên, ông hiểu bà Angela Merkel đang theo đuổi chính sách đối với nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin rất khác so với Mỹ. Ông nhận xét, mỗi quốc gia đều phải tìm ra con đường riêng của mình.

Khi bà Angela Merkel mới đắc cử chức Thủ tướng Đức và có lần đầu tiên bắt tay Tổng thống Mỹ George W. Bush vào năm 2006, quan hệ giữa 2 nước đang trong tình trạng băng giá. Ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ, ông Gerhard Schröder (người tiền nhiệm của bà Merkel) đã chỉ trích mạnh mẽ ông Bush vì đã phát động chiến tranh Iraq. Ông George W. Bush kể lại, thực tế là mối quan hệ Mỹ-Đức nhanh chóng được cải thiện, 2 nhà lãnh đạo Đức và Mỹ đã có mối quan hệ đặc biệt tốt ngay từ đầu.

Thời điểm đó cách đây gần 16 năm, hầu hết mọi gia đình Mỹ đều có mối quan hệ rất riêng và sống động với Đức. Nhiều người Mỹ từng chiến đấu chống phát xít trong Thế chiến II hoặc đã đóng quân ở Tây Đức trong nhiều năm trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Họ đã trở thành những đại sứ thực sự của tình hữu nghị Đức-Mỹ. Tuần qua, bà Angela Merkel có chuyến công du tới Mỹ lần cuối với tư cách là Thủ tướng Đức.

Cuộc gặp đầu tiên của bà với tân Tổng thống Joe Biden vừa là một chuyến thăm hỏi sau khi nhậm chức, vừa là một cuộc chia tay. Trong giới chính trị Mỹ ngày càng có nhiều người thấy rằng một kỷ nguyên sắp kết thúc. Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ được xác định lại, không chỉ bởi chính trị toàn cầu đang dần trở nên xáo trộn khi các cường quốc lớn khác đóng vai trò ngày càng có ảnh hưởng trên trường thế giới. Vì thế, theo cựu Tổng thống Bush, bất kỳ ai kế nhiệm bà Merkel sẽ có trọng trách là truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ ủng hộ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thật chặt chẽ.