Thủ tục phức tạp, bến thủy nội địa phải tồn tại kiểu “dù”

ANTĐ - Bắt đầu từ ngày 1-1-2015, việc quản lý cấp phép cho các bến thủy nội địa sẽ do Sở Giao thông vận tải Hà Nội thực hiện thay vì giao cho cảng vụ như trước đây. Việc phân cấp này được thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải giúp tăng thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý, nhưng cũng khiến hàng chục bến thủy nội địa trên địa bàn Hà Nội lo lắng…

Thủ tục phức tạp, bến thủy nội địa phải tồn tại kiểu “dù” ảnh 175% bến thủy nội địa trên địa bàn Hà Nội giấy phép đều hết hạn

Nơm nớp lo bị phạt

Đã 2 năm nay, ông Nguyễn Văn Hồng – Giám đốc Công ty CPTM & XD Hồng Anh (Công ty Hồng Anh) lúc nào cũng trong tình trạng nơm nớp lo âu khi vận hành việc bốc dỡ hàng hóa tại bến thủy của mình. Công ty của ông Hồng đi vào hoạt động từ năm 2004 và sau đó tiến hành làm thủ tục thuê đất với địa phương, làm thủ tục cấp phép hoạt động với Cảng vụ Hà Nội để vận hành một bến thủy nội địa tại tổ 21 phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

So sánh với các bến thủy tại khu vực này thì bến của ông Hồng được đánh giá vào loại khá lớn với năng lực bốc xếp hàng chục nghìn tấn. Tuy nhiên ít ai biết được hiện nay bến thủy của ông Hồng lại là “bến dù” 100%. Sở dĩ có câu chuyện này là vì, bắt đầu từ tháng 10-2012 hợp đồng thuê đất của công ty với địa phương đã hết hạn. Muốn được Cảng vụ Hà Nội gia hạn cấp phép hoạt động thì Công ty Hồng Anh phải có hợp đồng thuê đất mới, trong khi đó việc thuê đất không còn đơn giản như trước nữa. Muốn đầy đủ thủ tục, ông Hồng được hướng dẫn phải làm hợp đồng thuê đất với Sở TN-MT. 

Ông Hồng than thở: “Gần 2 năm nay, chúng tôi đã làm đầy đủ hồ sơ, đơn từ gửi tất cả các ban, ngành liên quan, nhưng không hiểu mắc ở khâu nào mà đến nay vẫn chưa có kết quả. Trong khi đó, hoạt động của doanh nghiệp không thể dừng lại được, hàng hóa vẫn tiếp tục phải lưu thông, nếu mọi thứ dừng lại chỉ để chờ giấy tờ thì đồng nghĩa với việc chúng tôi… chết đói. Thêm nữa, hạ tầng cơ sở, cầu cảng, đường sá, bến bãi, phương tiện… chúng tôi đã dốc tiền vào đầu tư, giờ không tiếp tục làm thì lấy đâu ra tiền trả ngân hàng?”. Theo ông Hồng, để có được hợp đồng thuê đất, giờ đây công ty của ông phải chờ sự phê duyệt, thẩm định của 7 cơ quan khác nhau bao gồm: Sở NN&PTNT, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Sở Tài chính, Sở KH-ĐT và Chi cục Thuế. “Nơi nhanh nhất thì chúng tôi phải đợi 1,5 tháng. Nơi nào lâu thì 3 tháng, chính vì vậy mà đến nay hồ sơ của chúng tôi vẫn còn nằm… đâu đó” – ông Hồng cho biết.

Cũng trong tình trạng tương tự, ông Phạm Công Minh – Giám đốc Công ty CPTM Sơn Thanh kể khổ: “Bến thủy của chúng tôi đi vào hoạt động từ năm 2003, tính đến nay đã được 12 năm. Năm 2012, sau khi UBND quận Hoàng Mai có văn bản thu hồi diện tích đất đã thuê của công ty chúng tôi và hướng dẫn doanh nghiệp ký hợp đồng mới với Sở TN-MT, chúng tôi đã thực hiện ngay. Nhưng cũng kể từ đó, mọi việc vẫn giậm châm tại chỗ. Không có được hợp đồng thuê đất thì Cảng vụ Hà Nội cũng không thể cấp phép hoạt động, các phương tiện cũng không dám vào bốc dỡ hàng hóa nữa. Hai năm nay, lượng khách hàng của chúng tôi giảm từ 40-50%, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề và hiện giờ chúng tôi chỉ dám hoạt động cầm chừng để… chờ thủ tục. Nói thẳng ra, từ 1-1-2015 chuyển giao sang Sở GTVT quản lý cấp phép thì Thanh tra giao thông “sờ” đến lúc nào là chúng tôi “chết dở” lúc đó bởi xét về lý thì bến đang hoạt động không phép”.

Bao giờ có phép?

Thực trạng bến thủy nội địa không phép không chỉ tồn tại ở khu vực sông Hồng mà ngay ở phạm vi 20km ven sông Đuống thuộc địa phận Hà Nội cũng có hơn 10 bến khác cũng trong tình trạng tương tự. Ông Phạm Thắng - Trưởng đại diện Cảng vụ Hà Nội (thuộc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II), thông báo một con số giật mình: “Hiện Cảng vụ Hà Nội quản lý tổng số hơn 90 cảng, bến thủy nội địa, nhưng trong đó chỉ có khoảng 25% là có giấy phép. Các bến còn lại giấy phép đều đã hết hạn và chúng tôi không thể tái gia hạn nếu họ không đảm bảo đầy đủ các thủ tục thuê đất như quy định”. Cũng theo ông Thắng, thông thường mỗi năm Cảng vụ Hà Nội sẽ cấp lại giấy phép hoạt động cho các bến một lần, tuy nhiên từ năm 2012 đến nay, số bến không được cấp phép tăng mạnh do nhiều bến bị hủy hợp đồng thuê đất với xã, phường, trong khi vẫn chưa có hợp đồng thuê đất với thành phố theo quy định mới.

Được biết bắt đầu từ ngày 1-1-2015 việc cấp phép cho các bến thủy nội địa sẽ chuyển giao từ Cảng vụ sang Sở GTVT kèm theo những yêu cầu mới chặt chẽ hơn trước. Có những bến dù trước đây được cấp phép nhưng nay sẽ không thể tái gia hạn do tình hình thủy văn, địa hình khu vực bến đã thay đổi, hoặc bến nằm trong phạm vi bảo vệ của công trình cầu, đê kè mới xây dựng. Ngoài ra, việc quy hoạch bến bãi trước đây không đồng bộ, chưa hợp lý thì nay cũng phải xem xét lại, sẽ có bến được ký tiếp, có bến sẽ không... Tuy nhiên việc các cơ quan chức năng phải mất quá nhiều thời gian với hàng loạt thủ tục cần thẩm duyệt vô hình trung đã đẩy các doanh nghiệp vào thế khó.

Có một thực tế là các chủ bến đều mong muốn sớm có được giấy phép hoạt động và sẵn sàng tuân thủ các yêu cầu của cơ quan chức năng. Thậm chí trong quá trình phóng viên đi khảo sát, một chủ bến tại khu vực sông Đuống còn nói thẳng: “Bến của chúng tôi hoạt động gần 20 năm nay hoàn toàn theo quy định, nhưng với yêu cầu mới thì chúng tôi gần như bị đưa ra ngoài vòng pháp luật dù chẳng vi phạm gì”. Không chỉ chủ bến gặp khó, các cơ quan quản lý nhà nước như Cảng vụ Hà Nội cũng lúng túng không biết xử lý ra sao với hàng loạt bến thủy nội địa không phép này.