Thủ tục hành chính cản trở đầu tư

ANTĐ - Từ một quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về thu hút đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đang dần mất đi vị trí này do nhiều nguyên nhân. Trong đó, thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện dự án đầu tư rườm rà, phức tạp là cản trở lớn. Ngày 20-8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chủ trì tổ chức hội thảo Giải pháp cải cách TTHC trong thực hiện các dự án đầu tư, nhằm đưa ra các hướng giải quyết cho vấn đề này.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến làm thủ tục về thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình, Hà Nội

Thủ tục đầu tư: nhanh cũng mất 14 tháng 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho hay, đơn giản hóa TTHC trong thực hiện dự án đầu tư là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. “Theo số liệu của cơ quan chức năng, thời gian để Sở KH-ĐT các địa phương phê duyệt dự án là 30-60 ngày. Chúng tôi đang thực hiện nhiều dự án tại nhiều địa phương, nhưng chưa nơi nào xong trong 60 ngày. Hồ sơ từ phòng thụ lý đến tay Giám đốc sở cũng mất khoảng 40 ngày; Sở trình Ủy ban, Ủy ban hỏi ý kiến các sở ngành liên quan mất khoảng 1 tháng. Tiếp đó, ủy ban lại họp xét duyệt… Dự án có tốc độ nhanh kỷ lục mà chúng tôi đã thực hiện phải mất 14 tháng mới xong TTHC. Đó là dự án mà mọi điều kiện thực hiện đều thuận lợi”- ông Hiệp nói. 

Báo cáo Cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư do VCCI công bố cho thấy, từ khi đề án 30 của Chính phủ về cải cách TTHC được thực hiện, cải cách TTHC đã đạt được nhiều bước tiến. Một số TTHC về đầu tư đã được chuyển từ cấp phép sang thông báo; giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy đăng ký kinh doanh; Việc tiếp cận đất đai dễ dàng hơn; Thủ tục thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, thủ tục đăng ký cam kết bảo vệ môi trường xác định rõ đối tượng; giảm thời gian thực hiện… 

Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện, ông Đậu Anh Tuấn- Phó trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế VCCI cho biết: TTHC thực hiện các dự án đầu tư còn phức tạp, chồng chéo và không thống nhất. Ví dụ, Luật Đầu tư chưa tương thích với Pháp luật thương mại trong lĩnh vực thương mại và hoạt động thương mại; pháp luật về đất đai và thời gian sử dụng đất đai… Bên cạnh đó, còn thiếu quy định, hướng dẫn cụ thể về điều kiện đầu tư. Quy định ưu đãi chưa nhất quán: Luật đầu tư 2005 và chính sách ưu đãi bị triệt tiêu phần nào tại các đạo luật thuế… Ngoài ra, mỗi địa phương lại có quy định, quy trình thực hiện dự án đầu tư khác nhau. Ví dụ với thủ tục đánh giá tác động môi trường, tại Bắc Ninh, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục này sau khi quy hoạch chi tiết được duyệt trước khi xin ý kiến thiết kế cơ sở, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng tại Thái Nguyên, thủ tục này nhà đầu tư phải thực hiện ngay sau khi thực hiện thủ tục bổ sung kế hoạch sử dụng đất trước khi cấp chứng chỉ quy hoạch. 

Thay đổi tư duy và cách làm

Ông Nguyễn Hùng Huế - Phó trưởng phòng kiểm soát TTHC khối kinh tế ngành, Cục kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) cho hay, để giảm các thủ tục phức tạp cho nhà đầu tư, nên chuẩn hóa, cụ thể hóa việc lựa chọn nhà đầu tư theo 3 hình thức: đấu giá quyền sử dụng đất; Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất và Chỉ định nhà đầu tư có sử dụng đất. Bên cạnh đó cần bãi bỏ một số thủ tục như: đăng ký đầu tư và thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư để giảm sự trùng lặp, chồng chéo; không yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép quy hoạch; không yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; bãi bỏ thủ tục chấp thuận phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với một số dự án…

Nhóm nghiên cứu của VCCI cũng đưa ra các phương hướng cải cách TTHC trong ngắn hạn và dài hạn như: rà soát, mô hình hóa toàn bộ quy trình,  đơn giản hóa hồ sơ, chuẩn hóa mẫu biểu, bỏ bớt các giấy tờ không cần thiết; xây dựng mô hình chuẩn để khuyến nghị các địa phương áp dụng, đầu ra là thông tư liên bộ. Trong dài hạn, cần sửa đổi Luật có liên quan như: Luật đầu tư, Luật xây dựng, Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, có cơ chế kiểm soát và đánh giá hiệu quả. “Quan trọng nhất là thay đổi tư duy và cách làm” - ông Đậu Anh Tuấn lưu ý.