Thủ tục để lao động tự do ở Hà Nội nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) chỉ cần làm thủ tục tại chỗ, không cần phải về quê để xin xác nhận của nơi đăng ký thường trú.

Theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, lao động tự do là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động.

Trên thực tế, đối tượng này có thể gồm: xe ôm truyền thống, người bán hàng rong, bán vé số, thợ xây, thợ hồ, người thu gom rác, phế liệu, người giúp việc nhà/trông giữ trẻ, người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa; tự làm hoặc lao động làm việc trong các lĩnh vực: ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (massage, xoa bóp y học, châm cứu), lĩnh vực làm đẹp (cắt tóc, gội đầu, nail)…

Từng địa phương sẽ quy định cụ thể về các đối tượng lao động tự do nhận được hỗ trợ.

Tại Hà Nội, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, nhiều người lao động trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội, bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền và những trường hợp khó khăn vướng mắc khác không thể về nơi thường trú, hoặc nơi cư trú, để xác nhận đề nghị hưởng hỗ trợ.

Trước vướng mắc này, Sở LĐ-TB&XH đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội đề xuất tháo gỡ khó khăn cho lao động tự do bị mất việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đã được thành phố chấp thuận.

Theo đó, lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) chỉ cần làm thủ tục tại chỗ, không cần phải về quê để xin xác nhận của nơi đăng ký thường trú.

Cụ thể, lao động gửi đơn đề nghị tới cấp xã, phường nơi cư trú, kèm photo sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường cấp. Trường hợp người lao động có nơi thường trú và nơi tạm trú không trùng nhau, nếu nhận hỗ trợ ở nơi tạm trú không cần xác nhận ở nơi thường trú.

UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan gửi thông tin người lao động đã được nhận hỗ trợ đến nơi người lao thường trú/tạm trú bằng các hình thức linh hoạt (qua email, hòm thư công vụ, bưu điện...); công khai danh sách trích ngang các trường hợp được hỗ trợ trên trang thông tin của đơn vị để đảm bảo người lao động được hưởng đúng nguyên tắc theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và tránh việc trục lợi chính sách.

Người hưởng có thể chọn hình thức nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, bưu điện hoặc chi trả trực tiếp.