Thủ tục đầu tư kinh doanh ngày càng nhiêu khê, phức tạp

ANTD.VN - Đó là đánh giá của doanh nghiệp về Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 tại hội thảo “Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh” diễn ra ngày 11-8.

Nhiều thủ tục đầu tư của dự án sử dụng đất còn nhiêu khê

Đánh giá về Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hiện hành, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cho rằng: “Thủ tục đầu tư, kinh doanh ngày càng nhiêu khê, phức tạp, thời gian kéo dài làm tiêu hao tài sản và công sức của doanh nghiệp, dẫn tới dự án chậm khởi công, chậm đưa ra thị trường và tăng giá bán từ 10-20% song chắc chắc chất lượng tốt hơn”.

Trong khi đó, đại diện Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế cho hay, các thủ tục đầu tư với dự án sử dụng đất còn chưa hợp lý, thiếu logic. Chẳng hạn, với thủ tục thành lập một tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thể phải có 3 loại giấy phép, gồm: chấp thuận chủ trương đầu tư; giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể bị yêu cầu các loại giấy phép khác như: Giấy phép kinh doanh, giấy phép lập cơ sở bán buôn…

Vị Luật sư đề nghị: “Rút gọn thủ tục và thực hiện cơ chế liên thông giữa các cơ quan Nhà nước để giảm bớt thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và thành lập doanh nghiệp”.

Từ thực tiễn hoạt động từ khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổng kết một số nội dung chồng chéo, hoặc khoảng trống trong các quy định pháp luật liên quan đến việc hình thành và thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất với các Luật chuyên ngành. Chẳng hạn, thủ tục đánh giá tác động môi trường không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ Môi trường.

Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM, theo quy định tại Điều 25 khoản 2 điểm a Luật Bảo vệ Môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án. Như vậy, theo quy định này, nhà đầu đầu tư phải thực hiện thủ tục xin phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Luật Đầu tư trong thủ tục quyết định chủ trương đầu tư không yêu cầu nhà đầu tư phải nộp Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Thực tiễn cho thấy, thủ tục quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường rất phức tạp và tốn kém, nếu chưa nhận được chấp thuận chủ trương đầu tư mà thực hiện thủ tục này sẽ rủi ro cho nhà đầu tư. Mặt khác thông tin đầu tư chưa đủ, độ chính xác chưa cao, do vậy, thủ tục quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được các địa phương đề xuất thực hiện sau khi đã có quyết định chủ trương đầu tư.

Vì vậy, đại diện CIEM đề xuất  sửa quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ Môi trường theo hướng: thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.

Thời gian gần đây, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi. Trong đó, không ít đánh giá cho rằng các thủ tục của Luật này gây thêm phiền hà cho doanh nghiệp.