Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trường học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Con trai tôi đang học lớp 12. Vào giờ ra chơi, cháu bị hai bạn cùng trường đánh gây thương tích nặng, tổn hại đến 64% sức khỏe và phải điều trị rất tốn kém. Xin hỏi luật sư, nhà trường có phải chịu trách nhiệm gì không? Nguyễn Thị Cúc (Hà Nội)
Học sinh gây thương tích cho nhau, nhà trường không phải bồi thường (Minh họa: Internet)

Học sinh gây thương tích cho nhau, nhà trường không phải bồi thường (Minh họa: Internet)

Luật sư trả lời:

Khoản 1, Điều 584, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Theo quy định này thì hai học sinh đã gây ra thương tích cho con trai bạn nên ngoài việc bị xử lý hình sự thì còn phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự đối với các thiệt hại về sức khỏe mà con bạn phải gánh chịu. Ví dụ như: Chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của cháu; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc cháu trong thời gian cháu điều trị… Và khoản 2, Điều 586, Bộ luật Dân sự quy định về việc bồi thường của người 17 tuổi (tương đương với học sinh lớp 11, 12) như sau: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình”. Nghĩa là bố mẹ của hai học sinh đánh con bạn sẽ phải bồi thường thay cho hai học sinh nếu hai học sinh không thể tự bồi thường.

Như vậy, trong vụ việc của con trai bạn, nhà trường không có nghĩa vụ bồi thường đối với cháu. Nhà trường chỉ có trách nhiệm bồi thường nếu người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại trong thời gian trường học trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, về mặt quản lý Nhà nước, Hiệu trưởng nhà trường có thể bị xử lý kỷ luật. Bởi lẽ theo Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT ngày 12-4-2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường thì “Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong cơ sở giáo dục”.

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh; Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh; Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Tóm lại về mặt hình sự và dân sự, nhà trường nơi con bạn học tập không phải chịu trách nhiệm nên bạn không thể yêu cầu nhà trường có nghĩa vụ đối với con bạn. Còn về mặt hành chính, cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục có thể sẽ có biện pháp xử lý đối với Hiệu trưởng ngôi trường này.