Thứ trưởng Bộ Công Thương: "Chúng ta xuất khẩu rau quả mà như đem rau ra chợ huyện"

ANTD.VN - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, để tận dụng cơ hội khi tham gia CPTPP cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, doanh nghiệp Việt Nam cần phải xem lại “cách coi thị trường thế giới là chợ huyện”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh 

Sáng 2-5, phiên tọa đàm về chủ đề “Doanh nghiệp và CPTPP” trong khuôn khổ “Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019” thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu, doanh nghiệp.

Tính toán của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT) cho thấy, CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, hơn 4 tỷ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2030.

CPTPP mang lại lợi ích cho đoanh nghiệp suất khẩu Việt Nam. Cơ hội thuế quan giảm, tạo lợi thế cho Việt Nam khi cạnh tranh với các nước khác.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hai câu chuyện nổi cộm đang cản trở các doanh nghiệp là khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn; và vượt qua các rào cản về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với các vấn đề này, cơ quan Nhà nước đã nỗ lực nhưng chưa đủ, “đâu đó còn tình trạng tự làm khó mình với hàng xuất khẩu, tồn tại những hiện tượng bất hợp lý, độc quyền, hay tiền kiểm hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa nhận được thông tin đầy đủ, vẫn loay hoay tự tìm hiểu…”- ông Vũ Tiến Lộc nói.

Đồng quan điểm này, ông Trần Quốc Khánh cho hay, Việt Nam chủ yếu gặp rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Chúng ta xuất khẩu rau quả mà như đem rau ra chợ huyện, việc này cần phải xem lại. Thế giới đặt ra các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, cần tem phiếu... Đây không phải là rào cản mà là nhu cầu của người tiêu dùng. Chúng ta cần phải thay đổi để nắm bắt được cơ hội"- Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), thị trường nhập khẩu yêu cầu ngày càng khắt khe về sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm có liên quan đến an toàn thực phẩm.

Do vậy, phải mất 5 năm, quả măng cụt của Việt Nam mới xuất khẩu được vào Trung Quốc và hiện Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu sữa của Việt Nam. Quá trình đàm phán cho sản phẩm sữa là 10 năm.